(HNM) - Hiện nay, lương ở khu vực doanh nghiệp chỉ đáp ứng 62-69% mức sống tối thiểu của người lao động; lương ở khu vực Nhà nước mới bảo đảm 50% mức sống tối thiểu của công chức...
Hiện nay, người lao động chưa đủ sống với mức lương tối thiểu hiện có. Ảnh: Chí Lâm |
Lương tối thiểu mới đáp ứng 50% mức sống
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống của người lao động còn cách xa. Không chỉ chưa theo kịp mức sống, lương tối thiểu tại Việt Nam cũng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tăng lương tối thiểu những năm gần đây mới bằng 38-41% mức tăng GDP bình quân đầu người (trừ năm 2003 và 2006 mức tăng bằng 46%) nhưng chưa có giải pháp khả thi để khắc phục. Theo đề án đã trình Hội nghị TƯ (khóa XI), chỉ khi năm 2013 lương tối thiểu tăng 35-37%, năm 2014 tăng 25-27% và năm 2015 tăng 20-25% thì người lao động mới sống được bằng lương vào năm 2015. Tuy nhiên, năm 2012 tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm nay mức độ còn gay gắt hơn, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn khoảng 1/2 so với mức dự kiến). Đối với khu vực hưởng lương ngân sách, mức điều chỉnh sẽ là 1,15 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2013 thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1-5-2013 như đã trình.
Ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định, với mức chi trả này lương tối thiểu ở khu vực Nhà nước hiện nay mới đáp ứng 50% mức sống tối thiểu của công chức; ở khu vực sản xuất, khả năng chi trả cao hơn một chút, khoảng 70%. Sắp tới, để đạt được đúng lộ trình tăng lương, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu với mức tăng lớn trong 2 năm 2014-2015. Nhưng với tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động ngày càng nhiều, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình nhiều đơn vị sẽ không thực hiện được. Nếu điều chỉnh để bảo đảm ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 như đề xuất của không ít đại biểu Quốc hội thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu tới năm 2016 sẽ đạt nhu cầu tối thiểu.
Cần sớm xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu
Từ thực tế khảo sát điều kiện sống và lương của công nhân nhập cư tại Đồng Nai, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Đoàn Văn Đây cho biết, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự điều chỉnh lương bằng hoặc cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu theo quy định (thu nhập trung bình của người lao động trong 2 năm 2011-2012 dao động từ 2,9-3,8 triệu đồng). Mặc dù vậy, tăng lương tối thiểu vẫn chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người lao động, nhất là lao động nhập cư đang thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm nhưng chưa có cách khắc phục. Đáng nói, tới thời điểm này, chưa có văn bản luật hay nghị định nào quy định rõ thế nào là mức sống tối thiểu. Một số phương pháp tính mức sống tối thiểu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổng Liên đoàn Lao động cũng từng được tham khảo nhưng không thống nhất về tiêu chí và cho những kết quả khác nhau. Do đó, rất khó khăn trong việc xác định mức sống tối thiểu, cơ chế điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng chưa rõ ràng.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nghiên cứu, tham khảo những tổ chức, các nước có nền kinh tế tiên tiến để tìm ra phương pháp chính xác hơn. Luật sư Nguyễn Thành Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội khuyến nghị, tới đây Chính phủ nên giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nội dung dự luật tiền lương tối thiểu. Trong đó, cần có thang bảng lương tối thiểu phù hợp với giá tiêu dùng để bắt buộc các doanh nghiệp căn cứ vào đó xây dựng bảng lương cho người lao động. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu. Chẳng hạn như, mức lương người lao động nhận càng cao, doanh nghiệp càng nhận được nhiều ưu đãi. Từ thực tế khảo sát đời sống người lao động nhiều tỉnh, thành phố, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đặng Quang Điều cũng cho rằng, cần sớm xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu để từ đó có cơ sở hoạch định chính sách dài hạn về lương, đồng thời điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2015 giúp họ đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.