Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương thấp không thể "giữ chân" nhà khoa học trẻ

Tuyết Hà| 03/06/2016 07:20

(HNM) - Theo công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong tổng số hơn 12.000 tiến sĩ tham gia nghiên cứu và phát triển KH&CN tại Việt Nam thì có tới 93% làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhiều nhất là ở trường đại học, tiếp đến là các viện, trung tâm nghiên cứu.

Phòng thí nghiệm Công nghệ Viễn thông tại Trường Đại học Công nghệ.Ảnh: Bùi Tuấn


Khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ cán bộ nghiên cứu học vị tiến sĩ thấp nhất. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Tuyến (Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) xung quanh vấn đề tạo động lực và niềm say mê nghiên cứu cho các nhà khoa học.

- Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về con số thống kê hiện nay 93% số tiến sĩ ở nước ta đang được phân bổ ở các cơ quan nhà nước?

- Tôi nghĩ rằng, con số đó tương đối phù hợp bởi các viện nghiên cứu, các trường đại học cần có đội ngũ cán bộ có trình độ cao là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ để đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát minh những sáng chế và các nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, để phát triển KH&CN, đưa các ứng dụng thực tiễn của KH&CN vào sản xuất thì các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cần những kỹ sư giỏi ở những khâu nghiên cứu và phát triển. Có như vậy thì mới đưa được những phát minh từ nghiên cứu khoa học chuyển sang sản xuất.

- Có ý kiến cho rằng, sau khi đạt được học hàm, học vị, các nhà khoa học có độ ỳ nhất định và nhiều người "bỏ cuộc", không nghiên cứu nữa. Ông có ý kiến gì về nhận định này?


- Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ phải là những người thủ lĩnh, đầu tàu trong nhóm nghiên cứu. Họ có ý tưởng khoa học, đề tài khoa học góp phần vào sự phát triển nền khoa học của đất nước hoặc đưa ra những ý tưởng cải tiến một quy trình sản xuất...

Tôi nghĩ đại đa số tiến sĩ đều có tinh thần nghiên cứu và cố gắng hết mình cho khoa học. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của các nhà khoa học cần có thêm nhiều sự đầu tư. Có một thực tế là hiện chỉ có một số viện nghiên cứu, trường đại học lớn được đầu tư chu đáo, còn một số cơ sở nghiên cứu, nhất là các trường đại học ở xa, vẫn chưa nhận được sự đầu tư thích đáng. Bên cạnh đó, tôi đồng ý rằng, có thể thấy đâu đó một số cán bộ khoa học có độ ỳ nhất định, do cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Theo tôi nguyên nhân chủ yếu là điều kiện kinh tế, môi trường làm việc và đồng lương còn thấp. Vậy làm thế nào để các nhà khoa học có động lực, có niềm say mê và có đủ điều kiện nghiên cứu là rất cần thiết.

- Là người có điều kiện làm việc nhiều năm ở các trường đại học uy tín trên thế giới, ông có thể đưa ra một vài thông tin so sánh về việc nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong và ngoài nước?

- Tôi thấy rằng, một giáo sư ở các đại học lớn hằng năm phải có nhiệm vụ là giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh và chắc chắn phải có công trình nghiên cứu khoa học. Ở các trường đại học danh tiếng, sự cạnh tranh rất lớn. Để thể hiện tài năng, các giáo sư cố gắng hết mình để đưa ra các sản phẩm công bố quốc tế. Tại nhiều nước, giáo sư buộc phải có công trình khoa học công bố quốc tế mỗi năm.

- Ở Việt Nam không có các tiêu chuẩn bắt buộc về công trình khoa học, công bố quốc tế với các giáo sư, tiến sĩ, thưa ông?

- Ở Việt Nam, số lượng giáo sư là cán bộ đầu ngành không lớn. Họ phải là trưởng một nhóm nghiên cứu hoặc các phòng thí nghiệm, có nhiệm vụ dẫn dắt cán bộ trẻ tham gia đề tài khoa học và đưa ra những ý tưởng, đề tài cho nhóm nghiên cứu.

Trở lại vấn đề đầu tư cho khoa học trong nước, tôi thấy điều kiện nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ở một viện nghiên cứu như Viện Toán học, có những tiến sĩ ở Pháp về chỉ được hưởng mức lương khiêm tốn theo quy định. Trong khi đó, họ chưa có cơ hội để thực hiện các đề tài khoa học và phát huy niềm đam mê nghiên cứu nên mức lương đó không đủ giữ chân họ ở lại. Những trường hợp như vậy xảy ra ở rất nhiều nơi cho thấy, việc có một cơ chế tài chính mới là rất quan trọng.

Tôi được biết, những quy định mới về tài chính trong nghiên cứu khoa học đã được ban hành, trong đó đáng chú ý có cơ chế khoán cho các nhà khoa học. Mặc dù sẽ vấp phải một số khó khăn với quy định này, ví dụ như việc đánh giá giá trị của sản phẩm khoa học, nhưng tôi vẫn hy vọng nó sẽ mang tới bầu không khí mới cho nghiên cứu khoa học của nước ta.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lương thấp không thể "giữ chân" nhà khoa học trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.