(HNM) - Cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê…) góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch cho một vùng miền hay một quốc gia.
Nếu như 20 năm trước, Việt Nam chỉ có vài trăm cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với khoảng 20 nghìn phòng, chủ yếu phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của công đoàn các ngành thì hiện nay tổng số cơ sở lưu trú đã lên tới 13.000 cơ sở với 265.000 buồng, phòng, cùng lúc có thể phục vụ hàng triệu lượt khách. Thế nhưng, số liệu thống kê của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy, cơ sở kinh doanh lưu trú có quy mô dưới 50 phòng vẫn chiếm tới gần 90%, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, sản phẩm dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Ngay ở Hà Nội, một trong những điểm đến hấp dẫn với hơn 10 triệu lượt khách mỗi năm cũng chỉ có 241/1.751 cơ sở lưu trú được thẩm định hạng sao.
Du khách nước ngoài thăm Hà Nội.Ảnh: Linh Tâm
Gia tăng mạnh mẽ về số lượng nhưng chất lượng không tỷ lệ thuận đã kéo theo những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo một khảo sát mới nhất của Bộ VH,TT&DL, 27% cơ sở kinh doanh lưu trú ở nước ta đang xả nước thải trực tiếp ra môi trường; 60% chỉ sử dụng hệ thống xử lý nước thải bằng bể lắng lọc; chưa đơn vị nào báo cáo hiện trạng môi trường đến Sở VH,TT&DL địa phương theo quy định của pháp luật… Không chỉ cơ sở lưu trú mà như ông Trương Kỉnh, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, "mỗi ngày, vịnh Nha Trang phải hứng chịu khoảng 10 tấn rác thải du lịch, cộng với rác thải sinh hoạt của dân cư trên 6 khóm đảo và nhà vệ sinh trên các tàu du lịch xả thẳng xuống biển khiến nước biển bị ô nhiễm". Tình trạng ngập rác cũng xảy ra ở một số vùng biển Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Phan Thiết, Bà Rịa Vũng Tàu…
Vì những cơ sở có hệ thống xử lý vệ sinh kém nên mỗi năm Việt Nam mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch - Ngân hàng Thế giới dự báo.
Mất khách vì phục vụ kém
Ngoài cơ sở vật chất, môi trường, con người là yếu tố quan trọng tạo nên sản phẩm lưu trú du lịch hoàn chỉnh. Nguồn nhân lực trong các cơ sở lưu trú ở nước ta những năm gần đây tuy đã phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sự phát triển du lịch.
Theo điều tra, trong số gần một triệu lao động thường xuyên làm việc tại các cơ sơ lưu trú du lịch trên toàn quốc chỉ có 1,36% đạt trình độ trên đại học, 17,89% tốt nghiệp đại học, cao đẳng; còn lại là trung cấp, sơ cấp, thậm chí chưa học hết phổ thông. Đáng nói hơn, khoảng 50% trong tổng số lao động toàn ngành du lịch chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Con số này đã phần nào phản ánh chất lượng nhân lực yếu kém tại các sơ sở lưu trú, đặc biệt là nhân viên lễ tân - "cầu nối" giữa cơ sở lưu trú với khách hàng. Những thông tin ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết đã minh chứng thêm cho nhận định này: 50% cán bộ quản lý khách sạn ở Hà Nội đáp ứng công việc ở mức trung bình, 20% ở mức khá, 30% ở mức cao. Tương tự, điểm du lịch Giao Thủy (Nam Định) có 167 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 1.390 người phục vụ, tuy nhiên lao động qua đào tạo chỉ chiếm hơn 10%, còn lại là lao động mùa vụ, chỉ được học các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.
Ông Hà Thanh Hải, Phó tổng Giám đốc Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khiến nhân lực ở các cơ sở lưu trú vừa thiếu vừa yếu là do tốc độ phát triển nhanh của các cơ sở kinh doanh, trong khi một bộ phận xã hội còn định kiến với lao động nghề trong khách sạn. Mặt khác, các khách sạn 3 đến 5 sao thường ở thành phố lớn hoặc các trung tâm du lịch, khách đông, thu nhập khá nên có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận với nguồn lao động chất lượng cao; các khách sạn hạng thấp hơn có quy mô hạn chế, lượng khách không nhiều nên khó tuyển dụng được lao động trình độ cao. Đối với loại hình lưu trú du lịch khác (ngoài khách sạn), nguồn nhân lực phục vụ chất lượng cao là một thách thức của ngành du lịch, bởi đa số các cơ sở này sử dụng lao động là người trong gia đình.
Sự phục vụ kém chất lượng ở các cơ sở lưu trú là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ ở lại thời gian ngắn và hơn 80% khách "một đi không trở lại". Tính trung bình khách quốc tế chỉ lưu trú ở Hà Nội 2,1 ngày, còn ở thành phố Hồ Chí Minh là 2,5 ngày. Sự lãng phí này thì không thể cân đo đong đếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.