(HNMO) - Ngày 9-10, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về phân bón chứa lân với cây trồng”.
Theo thông tin tại Hội thảo, từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở Việt Nam chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng phân bón cho lúa chiếm cao nhất, hơn 65%, các cây công nghiệp lâu năm gần 15%, ngô khoảng 9%, còn lại là các cây trồng khác. Phân lân và phân bón chứa lân là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng nông sản, đặc biệt là đối với các loại đất trồng lúa ở phía Nam, là thành phần chính xây dựng nên các hợp chất hữu cơ chủ chốt tạo thành hạt, quả…
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, cơ quan tuyên truyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nêu rõ thông tin về tính ưu việt của từng loại phân lân (phân bón chứa lân dạng vô cơ, dạng chế biến hóa học; phân lân đơn, phức hợp; phân lân nung chảy; phân lân superphosphat…), cách sử dụng, tác dụng của loại phân nào phù hợp với cây trồng nào, loại đất nào… để giúp nông dân hiểu rõ và sử dụng đúng phân cho từng chất đất, cây trồng nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ giúp doanh nghiệp vấn đề liên quan đến lượng lớn phân bón đã sản xuất, nhưng vẫn phù hợp để sử dụng cho từng loại đất, cây trồng; hoặc hàng triệu bao bì đã in sẵn, nhưng không phù hợp quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.