(HNM) - Sau gần hai tháng kể từ khi chủ trương về tăng lương tối thiểu (LTT) cho người lao động (NLĐ) khối doanh nghiệp (DN) được thực hiện, tình hình đời sống của hầu hết NLĐ chưa được cải thiện. Đã xác định được nguyên nhân, nhưng giải quyết thế nào vẫn là cả vấn đề.
Làm việc 12 giờ/ngày, vẫn không đủ sống
Như nhiều bạn bè cùng khu trọ ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh), chị Lê Thị Mai, quê ở Đông Sơn (Thanh Hóa), làm việc tại Công ty Panasonic (KCN Bắc Thăng Long), mỗi ngày lao động từ 8 đến 10 tiếng trong nhà xưởng, nhưng thu nhập chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Chị Mai cho biết, dù chi tiêu dè sẻn hết mức nhưng đồng lương quả thực không đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. Dù thường xuyên "xin" được làm thêm giờ, nhưng cũng chỉ tăng thêm được vài trăm nghìn đồng, nên Mai và các bạn tranh thủ đi làm "ôsin", với công việc lau dọn nhà cửa, hoặc chăm sóc người già ốm đau, bệnh tật, mỗi ngày làm 2 giờ, có thêm được 40 nghìn đồng.
Lương tối thiểu đã tăng nhưng đời sống người lao động chưa hết chật vật. Ảnh: Lê Tuấn
Anh Nguyễn Văn Đông, công nhân Công ty Kết cấu thép (Sóc Sơn) may mắn hơn, vì không phải thuê nhà, đỡ được một phần chi phí. Dù đã tăng 300 nghìn đồng từ ngày 1-10 nhưng với mức lương 3 triệu đồng, anh Đông không đủ nuôi hai con ăn học, nên hằng ngày ngoài giờ làm việc ở công ty, anh tranh thủ chạy "xe ôm" để kiếm thêm.
Theo số liệu khảo sát mới nhất, hiện có tới 73,4% NLĐ có mức lương dưới 3 triệu đồng (dưới mức sống tối thiểu theo đánh giá từ kết quả khảo sát của Viện Công nhân-CĐ). Để có mức lương tương ứng ở trên, NLĐ phải làm việc theo hợp đồng lao động với thời gian 48 giờ/tuần và 26 ngày/tháng. Tiền lương làm thêm giờ của mỗi NLĐ làm thêm trên 1,5 giờ/ngày chiếm 35,5%, DN làm thêm tới 600 giờ/năm vượt quá mức cho phép từ 2 đến 3 lần; số người không phải làm thêm giờ chỉ có 5,2%. Như vậy, số NLĐ phải làm thêm giờ chiếm tới 94,8%, với lý do chủ yếu là để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống vì tiền lương quá thấp.
Tiến sỹ Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - CĐ cho biết, việc tăng LTT theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của NLĐ. Thực tế, mức chi trả của DN cho NLĐ hiện nay không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ngay cả mức tăng LTT vừa ban hành cũng không đáp ứng được yêu cầu này. Khảo sát của Viện Công nhân - CĐ từ tháng 4-2011 đến tháng 10-2011 tại Hà Nội (vùng I), với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300 kilô calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì NLĐ phải chi tới 35.300 đồng/ngày. Như vậy chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng NLĐ đã phải chi tối thiểu gần 1 triệu đồng/tháng. Ông Đặng Quang Điều cũng cho biết, qua khảo sát, tính toán, ngoài chi phí tối thiểu như vậy, mỗi NLĐ còn phải chi phí điện, nước, xăng xe, hiếu hỉ, khám bệnh... khoảng 700 đến 850 nghìn đồng/tháng, cộng thêm chi phí nuôi con khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng. Tổng cộng, mỗi tháng mức sống tối thiểu của NLĐ vùng I phải là 3,042 triệu đồng; vùng II, III, IV từ trên 2,4 đến trên 2,8 triệu đồng.
Điều chỉnh tiếp cận mức sống tối thiểu
Hiện nay, nhiều DN FDI và DN tư nhân xây dựng thang bảng lương kiểu đối phó với cơ quan quản lý bằng cách chia nhỏ bậc lương, hoặc "cắt" bớt lương để đóng BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Xây dựng định mức lao động quá cao, đơn giá tiền lương thấp, NLĐ làm việc cật lực trong 8 tiếng đồng hồ vẫn không hoàn thành định mức nên phải làm thêm giờ. Nhiều DN "bù đắp" tiền công cho NLĐ bằng cách tách tiền lương thành các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ…, hoặc hạch toán báo lỗ (thực tế không lỗ) để trả lương thấp cho NLĐ. Không ít cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng, thường vin vào việc để DN tự chủ trong trả lương và thỏa thuận với NLĐ, dẫn tới NLĐ khó có được mức lương cao.
Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, thời gian qua, các cấp CĐ TP đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương và thu nhập cho NLĐ. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương trong khu vực DN, nhất là việc xây dựng, đăng ký và tổ chức thực hiện thang bảng lương đúng quy định, đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm chính sách tiền lương. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng định mức lao động và đơn giá tiền lương...
Hiện nay LTT đang gắn với hơn 30 chính sách xã hội khác nhau, vì vậy, mỗi lần điều chỉnh LTT, đã làm tăng khoản chi từ ngân sách rất lớn nên khả năng ngân sách không đáp ứng được. Nên chăng, cần thống nhất tiền LTT áp dụng cho các loại hình DN, tránh tình trạng cùng một công việc như nhau ở một địa bàn, nhưng LTT khác nhau. Mặt khác, điều chỉnh mức LTT cần tiếp cận mức sống tối thiểu, bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLĐ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.