Nếu chấp nhận ký vào bản hợp đồng mới mà VFF đề nghị, huấn luyện viên Calisto sẽ được VFF trả tới 22.000 USD/tháng chứ không phải 20.000 USD, và điều đáng nói là ông Calisto sẽ được nhận trọn vẹn khoản tiền này, bởi VFF sẽ gánh toàn bộ thuế thu nhập phát sinh.
Như vậy, mỗi năm huấn luyện viên Calisto sẽ bỏ túi 264.000 USD, và sau 3 năm hợp đồng với VFF, ông thầy người Bồ Đào Nha sẽ có 792.000 USD, một khoản tiền rất lớn nếu tính theo mặt bằng sinh hoạt ở Việt Nam.
Ông Calisto có thể nằm trong tốp huấn luyện viên được trả lương cao nhất châu Á. |
Đem con số này ra so ở phạm vi Đông Nam Á thì huấn luyện viên Calisto chỉ kém cựu huấn luyện viên người Anh Peter Reid của đội tuyển Thái Lan và Bryan Robson hiện tại, và ông Calisto đã vượt qua mức thu nhập được coi là kỷ lục mà Liên đoàn bóng đá Indonesia từng trả cho huấn luyện viên Peter Withe (20.000 USD).
Trên bình diện thế giới, tất nhiên huấn luyện viên Calisto không thể so sánh với những đồng nghiệp có tên trong danh sách 10 huấn luyện viên được trả lương cao nhất thế giới như Luiz Scolari, Jose Mourinho hay Fabio Capello, nhưng chỉ cần lướt qua bảng tiền lương của 32 huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia sẽ có mặt tại World Cup 2010 vào mùa hè này do tạp chí Ole của Argentina công bố thì sẽ thấy huấn luyện viên Calisto cũng không thua kém là bao nhiêu.
Với tiền lương 264.000 USD/năm, huấn luyện viên Calisto sẽ bỏ xa người đồng nghiệp Shaibu Amodu (Nigeria), vì ông này chỉ nhận lương là 180.000 USD/năm. Hay huấn luyện viên trưởng đội tuyển Triều Tiên Kim Jong Hun với lương năm 250.000 USD cũng không thể là đối thủ xứng tầm của huấn luyện viên Calisto.
Tất nhiên, thu nhập hàng năm của huấn luyện viên Calisto chỉ hơn được 2 huấn luyện viên Amodu và Kim Jong Hun, nhưng nếu so với 30 huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia còn lại ở World Cup 2010, huấn luyện viên Calisto sẽ không hề cảm thấy e ngại.
Khoản thu nhập 264.000 USD/năm của huấn luyện viên Calisto tiệm cận với tiền lương của rất nhiều ông thầy nổi tiếng như Oscar Washington Tabárez (Uruguay, 300.000 USD), Vladimir Weiss (Slovakia, 312.000), Reinaldo Rueda (Honduras, 350.000), Matjaz Kek (Slovenia), Gerardo Martino (Paraguay), Rabah Saadane (Algeria) (cùng 360.000 USD).
Thậm chí, ngay cả huấn luyện viên trưởng tới từ siêu cường kinh tế số một thế giới như Mỹ, ông Bob Bradley, cũng “chỉ” nhận lương năm là 400.000 USD. Gần Việt Nam hơn Mỹ là Hàn Quốc cũng chỉ trả cho huấn luyện viên Hun Jung Moo mỗi năm là 600.000, tức là không quá cách biệt so với huấn luyện viên Calisto, trong khi năng lực của 2 nền bóng đá là rất khác nhau, và điều kiện kinh tế còn chênh lệch hơn nữa.
Nói thế để thấy chế độ đãi ngộ mà VFF dành cho huấn luyện viên Calisto là không hề thấp, ngay cả khi so sánh trên phạm vi thế giới. Và nếu lấy World Cup làm tiêu chí để đánh giá mức độ “đồng tiền bát gạo” thì thậm chí còn có thể cho rằng chúng ta đang chơi sang.
Bởi ngay cả Uruguay, một cường quốc bóng đá Nam Mỹ và từng vô địch thế giới, cũng chỉ dám trả cho huấn luyện viên Tabarez mức lương cao hơn một chút so với con số mà VFF đang chào mời huấn luyện viên Calisto (nhưng chưa nhận được cái gật đầu từ phía ông thầy người Bồ Đào Nha).
Có lẽ vì vậy mà ngay cả một người điềm đạm như chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng bày tỏ sự tin tưởng với mức độ… 200% khả năng về việc huấn luyện viên Calisto sẽ gia hạn hợp đồng, bởi “chắc chắn không có đội bóng nào ở Việt Nam có thể trả cho huấn luyện viên Calisto nhiều hơn số tiền như vậy”./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.