Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương cho người lao động: Chi phí hay đầu tư?

Bích An| 18/11/2010 07:40

(HNM) - Trả lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động như thế nào trong cơ chế thị trường khi nhân tài của doanh nghiệp (DN) này bị DN khác săn tìm, chào mời là chủ đề

Trả lương thỏa đáng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ người lao động ở lại doanh nghiệp. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền dệt tại Công ty CP Everpia Việt Nam (Everon).  Ảnh: Nguyệt Ánh


TS Trịnh Ngọc Huy - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, lương là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà hầu hết người lao động (NLĐ) quan tâm khi quyết định vào làm việc cho một tổ chức hay DN. Tiền lương đối với NLĐ là sự trao đổi sức lao động mà họ đã bỏ ra. Vì vậy, tiền lương là một trong những công cụ quan trọng trong sử dụng nhân sự mà không DN nào có thể bỏ qua. Tuy nhiên, để có một chính sách lương bổng hợp lý là điều không dễ dàng đối với DN  khi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tiềm lực, quy mô, thương hiệu của DN, thị trường lao động... Với Việt Nam là nước có nền văn hóa tôn trọng quyền lực nhưng vẫn mang tính cộng đồng cao thì chính sách lương bổng dù có phân biệt rõ theo quyền lực, học vị cũng nên có sự hài hòa, cân bằng.

Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, giá cả leo thang từng ngày thì việc trả lương sao cho hợp lý, giữ được người lao động, có nghề mà vẫn bảo đảm an toàn tài chính là sự trăn trở của hầu hết các nhà quản trị DN hiện nay.

PGS.TS Lê Quân - Chủ tịch EduViet Corp cho rằng, các DN Việt Nam cần phải xác định rõ tiền lương trả cho NLĐ được coi là khoản đầu tư hay là khoản chi phí. Bởi "Nếu xem tiền lương là một cách đầu tư, DN thường trả lương cơ bản cao để thu hút người có năng lực, giám sát và đánh giá công việc rõ ràng và khách quan. Cách này hiện vẫn ít thấy, phần lớn DN coi đó là khoản chi phí bắt buộc. Chính vì thế, DN Việt Nam thường trả lương cơ bản thấp để tìm giải pháp an toàn nếu năng suất lao động thấp. Với cách này, DN có thể nắm đằng chuôi, an toàn về tài chính. Song sẽ có nhiều hạn chế vì nhân viên sẽ  chỉ làm việc theo tinh thần của một người cộng tác viên, thiếu gắn bó với DN. Cách này cũng khiến cho DN khó thu hút người giỏi".

Cũng theo PGS.TS Lê Quân, hiện nay trên thế giới, có hai phương pháp trả lương phổ biến được nhiều DN áp dụng rất hiệu quả. Đó là, hoặc theo phương pháp HAY (nghĩa là: đánh giá công việc, không đánh giá con người) và phương pháp 3P (trả lương dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng là chức danh, năng lực cá nhân và thành tích đạt được). Trả lương theo HAY chỉ phù hợp với  những DN có quy mô lớn, công việc ổn định và quy trình công việc rõ ràng, ít kiêm nhiệm và thay đổi không nhiều. Còn với DN Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, nếu áp dụng cách HAY sẽ gặp khó khăn vì phân công công việc thiếu rõ ràng, mô tả công việc không chi tiết và không chuẩn, chú trọng lương năng suất, thích áp dụng lương cơ bản thấp. Còn nếu áp dụng theo phương pháp 3P thì cũng gặp khó khăn trong việc xác định dải lương lớn nhất và nhỏ nhất cho từng loại công việc cũng như khó trong xây dựng tiêu chuẩn năng lực và đánh giá năng lực để trả lương (như thế nào là kỹ sư, kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp). Do vậy, tùy từng điều kiện cụ thể mà DN có thể linh hoạt kết hợp phương pháp HAY và 3P.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Hiếu - phụ trách quản lý nhân lực, Tập đoàn Ôtô Trường Hải cho rằng, mỗi DN phải có hệ thống thang bảng lương hợp lý, có cấu trúc bền vững. Hệ thống thang bảng lương phải đáp ứng ba yêu cầu: cân bằng trong nội bộ, phân cấp ngạch bậc và cạnh tranh với thị trường.

Còn theo bà Nguyễn Nam Phương, Phó Giám đốc Công ty OCD: "Việc xây dựng thang bảng lương là kỹ thuật của DN chứ không phụ thuộc nhiều vào lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Ví dụ như lương tối thiểu do Nhà nước quy định có thể tăng nhưng quỹ lương của DN thì đã ổn định trước đó, cao hơn mức tối thiểu rồi thì cũng không cần thiết phải  thay đổi. Nếu NLĐ nhận phần lương theo quy định của nhà nước tăng thì lương năng suất, lương do DN trả sẽ giảm, như vậy tổng thu nhập của NLĐ cũng không tăng".

Mặc dù có những quan điểm khác nhau trong cách trả lương của các DN  hiện nay, song các nhà quản trị DN cũng nhận thấy cần phải có sự thay đổi nhận thức trong việc trả lương cho phù hợp với cơ chế thị trường. Đi đôi với đó là các chế độ phúc lợi hợp lý DN tạo cho NLĐ, sẽ góp phần quan trọng để tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhân viên với công ty. Đồng thời, chế độ phúc lợi cũng được coi là văn hóa DN, bí quyết giữ người của riêng mỗi DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương cho người lao động: Chi phí hay đầu tư?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.