Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luôn nỗ lực vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp!

Tuấn Lương| 24/04/2016 07:15

(HNM) -

Ông Nguyễn Việt Phương.


Nhờ đó, Sở luôn được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực thực hiện công tác CCHC của thành phố. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp!" - ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CCHC Sở GT-VT Hà Nội khẳng định trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Mọi hồ sơ đều được giải quyết

- Thưa ông, nếu phải đánh giá một cách ngắn gọn về công tác CCHC của Sở GT-VT Hà Nội thời gian qua, ông sẽ nói như thế nào?

- Cải cách hành chính có vai trò hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá. Cụ thể nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.

Thời gian qua, Sở đã chủ động, tích cực rà soát nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó đặc biệt quan tâm đến các TTHC liên quan trực tiếp đến nhiều người dân cũng như các TTHC liên thông giữa các sở, ngành… Dù còn nhiều khó khăn song có thể nói một cách ngắn gọn, rằng mọi hồ sơ liên quan đến TTHC của Sở GT-VT Hà Nội đều được giải quyết đúng hẹn, được các doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

- Các TTHC đã được giải quyết ở bộ phận “một cửa” hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số TTHC thuộc trách nhiệm của Sở, thưa ông?

- Có khoảng 100 loại TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở GT-VT Hà Nội, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cấp giấy phép lái xe (GPLX), vận tải thủy, vận tải đường bộ, thẩm định, giao thông đô thị… Đến thời điểm này đã có 68/100 TTHC được giải quyết ở bộ phận “một cửa”. Số còn lại đang được khẩn trương nghiên cứu để có thể đưa ra vào cuối năm nay. Về cơ bản, những thủ tục liên quan trực tiếp đến nhiều người dân và doanh nghiệp đều đã được giải quyết theo cơ chế “một cửa”.

Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, bộ phận “một cửa” của Sở phải tiếp nhận giải quyết khoảng 40.000 hồ sơ các loại. Trước đây, một số công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” là công chức phòng chuyên môn thực hiện kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Kể từ khi được củng cố, kiện toàn thành bộ phận độc lập trực thuộc văn phòng do Chánh Văn phòng Sở trực tiếp quản lý với các cán bộ, công chức chuyên trách điều động từ các phòng chuyên môn nên chất lượng giải quyết công việc được nâng lên rõ rệt. Các đợt thanh tra, kiểm tra của UBND thành phố và Sở Nội vụ Hà Nội đều đánh giá Sở GT-VT Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác CCHC của thành phố.

- Ông vừa nói các hồ sơ đều được giải quyết, xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

- Mọi tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ giải quyết TTHC đều được Sở GT-VT Hà Nội tiếp nhận và giải quyết. Nếu thành phần hồ sơ của tổ chức, cá nhân đúng, đủ theo TTHC sẽ được tiếp nhận, giải quyết và ghi phiếu hẹn ngày trả kết quả. Nếu thành phần hồ sơ của tổ chức, cá nhân chưa đúng, đủ theo TTHC sẽ được tiếp nhận, giải quyết và ghi phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định. 

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ, công chức có tiêu cực

- Được biết, Sở GT-VT Hà Nội đã bố trí được 3 địa điểm làm việc của bộ phận “một cửa”, song không phải các nơi đều tiếp nhận TTHC giống nhau, xin ông làm rõ thêm điều này?


- Sở GT-VT Hà Nội hiện có 3 địa điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC theo cơ chế “ một cửa” gồm số 2 Phùng Hưng (quận Hà Đông), số 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình) và lô HH-03 Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Do nhu cầu nộp hồ sơ giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân từng khu vực có khác nhau. Do đó, sau khi khảo sát trước mắt để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tại địa điểm quận Ba Đình bố trí thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ liên quan đến cấp đổi GPLX và lĩnh vực vận tải đường bộ, tại quận Long Biên bố trí thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp đổi GPLX, tại địa điểm số 2 Phùng Hưng thực hiện tiếp nhận và giải quyết tất cả các TTHC thuộc trách nhiệm của Sở GT-VT Hà Nội.

Các bộ phận đều được bố trí đầy đủ trang thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từ máy xếp hàng tự động, máy in, photocopy, hệ thống camera giám sát cho đến vách ngăn mềm giữa công chức và công dân đến giao dịch…; nhân viên mặc đồng phục, đeo thẻ công chức theo đúng quy định của thành phố. Việc thành phố thường xuyên quan tâm đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn quy trình, thủ tục đã giúp Sở GT-VT Hà Nội cũng như các sở, ngành và địa phương liên quan nâng cao chất lượng giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, các TTHC liên thông, liên ngành cũng được giải quyết thuận lợi hơn.

- Được biết, kể từ ngày 1-3-2016, Sở triển khai cấp GPLX quốc tế. Xin ông cho biết kết quả bước đầu sau gần 2 tháng triển khai?

- Cấp đổi GPLX quốc tế là nhiệm vụ mới song Sở đã khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để sớm đưa vào phục vụ nhu cầu của người dân. Hà Nội là một trong hai địa phương đầu tiên (cùng với TP Hồ Chí Minh) triển khai nhiệm vụ này và đây cũng là một nỗ lực CCHC nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Cũng là mới nên sau gần 2 tháng triển khai, Sở mới cấp được khoảng 1.000 GPLX quốc tế. Nhiều công dân sinh sống và làm việc ở nước ngoài về nước dịp Tết cổ truyền vừa qua rất phấn khởi khi biết Hà Nội đã chính thức cấp đổi GPLX quốc tế với thời gian thực hiện chỉ 5 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ nên đã đến giao dịch trước khi quay lại nước bạn.

Các bộ phận cũng đã giải quyết cấp đổi GPLX cho khá nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội. Nhìn chung, người dân đến giao dịch đánh giá cao sự thay đổi trong công tác CCHC của Sở GT-VT Hà Nội nói riêng và của thành phố nói chung. Còn với GPLX nội địa, trung bình mỗi ngày cả 3 địa điểm cấp đổi được khoảng 600 GPLX, riêng vào dịp cuối năm giáp Tết thì lượng giao dịch tăng cao hơn, trung bình mỗi ngày từ 1.000-1.200 GPLX. Những ngày cao điểm, cán bộ công chức bộ phận “một cửa” phải căng mình, vất vả hơn nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc.

- Kết quả là không thể phủ nhận, song vẫn có dư luận cho rằng vẫn còn tình trạng “cò” trong công tác cấp GPLX. Vậy làm thế nào để loại được “cò”?

- Tôi cho rằng để “cò” không còn đất sống thì quan trọng nhất là phải giảm đến mức tối đa TTHC. Thực tế trong cấp đổi GPLX, Sở không yêu cầu bất cứ thủ tục gì ngoài sự có mặt của công dân để xuất trình bản chính GPLX cùng chứng minh nhân dân bởi các dữ liệu về GPLX của công dân đều đã có hệ thống cơ sở dữ liệu. Hiện các đối tượng “cò” không thể can thiệp được vào công tác cấp đổi GPLX bởi chúng tôi có máy xếp hàng tự động; có cán bộ hướng dẫn công dân kê khai đơn và hoàn chỉnh hồ sơ; công dân phải trực tiếp đến chụp ảnh để in lên GPLX bằng chất liệu PET…

Tất cả đều được thực hiện tại chỗ, ngoại trừ các thủ tục phải chờ kết luận của cơ quan khác như giấy chứng nhận sức khỏe hoặc quyết định ra quân do các lực lượng vũ trang cấp để phục vụ cho việc cấp GPLX. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với lực lượng công an sở tại nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại các điểm bộ phận “một cửa”. Hơn nữa, toàn bộ quy trình thủ tục đều đã được niêm yết công khai tại từng cơ sở và trên trang website của Sở (tại địa chỉ http://sogtvt.hanoi.gov.vn).  

Số điện thoại đường dây nóng cũng được công bố công khai tại các vị trí dễ thấy để người dân phản ánh tiêu cực. Ngay khi tiếp nhận phản ánh, lãnh đạo Sở sẽ trực tiếp kiểm tra, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định, nhất định không bao che, dung túng. Qua Báo Hànộimới, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu cấp đổi GPLX có thể tìm hiểu kỹ thông tin trên website của Sở GT-VT Hà Nội hoặc đến các địa điểm nói trên để được tư vấn, giải thích chi tiết và thực hiện các TTHC nhằm bảo đảm quyền lợi.

Lấy “5 rõ” là “kim chỉ nam”


- Cải cách hành chính tiếp tục được xác định là một trong những khâu đột phá của TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Sở GT-VT Hà Nội có chiến lược gì để nâng tầm nhiệm vụ này?

- Nhận thức được việc CCHC có vai trò hết sức quan trọng, là một lĩnh vực rất rộng, từ cải cách thể chế; cải cách tổ chức, bộ máy; hiện đại hóa nền hành chính; tài chính công…, trong đó bộ phận “một cửa” chỉ là một phần việc trong CCHC nên Sở đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo CCHC do Giám đốc Sở làm Trưởng ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác CCHC năm 2016 và những năm tiếp theo; xây dựng các chương trình công tác chi tiết để thực hiện kế hoạch từng năm… Từ Ban chỉ đạo cho đến các bộ phận chuyên môn đều được phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc.

Các chương trình, kế hoạch phải thực sự bắt tay vào thực hiện nghiêm túc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu. CCHC cùng với “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn” chính là 2 trong 3 khâu đột phá của TP Hà Nội trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi xác định, thực hiện tốt công tác CCHC sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ chính mà Đảng, Nhà nước và thành phố giao cho là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển đô thị, phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, từng bước xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại, phát triển bền vững.

- Vừa qua, UBND TP đã yêu cầu, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh hơn nữa CCHC theo phương châm “5 rõ”. Sở đã quán triệt và triển khai yêu cầu này như thế nào, thưa ông?


- Yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung là các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh hơn nữa CCHC theo phương châm “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả; thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính. Từ trước đến nay, công tác CCHC của Sở GT-VT Hà Nội đã cơ bản bám sát được các nội dung chủ đạo như rõ người, rõ việc... Chúng tôi cũng đã yêu cầu cán bộ, công chức trong toàn ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm người thực thi công vụ. Tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đã quyết liệt nay càng phải quyết liệt hơn, đã hiệu quả lại càng phải hiệu quả hơn nữa. Sở cũng đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, công chức của Sở, đặc biệt là các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức, công dân phải coi đây là “kim chỉ nam” trong thực thi công vụ.

Từ nay đến cuối năm 2016, Sở GT-VT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, tập trung ở các TTHC liên thông; Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, bộ phận liên quan trong việc xây dựng quy trình và giải quyết TTHC; Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính là chất lượng dịch vụ công; Thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại. Tăng cường việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong giải quyết các TTHC. Đặc biệt, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, chất lượng phục vụ nhân dân, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên, đột xuất, kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm. Toàn ngành quyết tâm, nỗ lực vì sự hài lòng hơn nữa của người dân và doanh nghiệp.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luôn nỗ lực vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.