(HNM) - Hơn 16 năm công tác trong ngành thanh tra, ông Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng phòng Thanh tra 6 (Thanh tra TP Hà Nội) luôn tâm niệm "Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới".
Ông luôn nghiên cứu các giải pháp giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân. Cách làm của ông là nghe dân nói, ghi chép đầy đủ những kiến nghị của người dân, phản ánh, đối chiếu với cơ chế chính sách pháp luật để giải thích. Với những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, ông đọc kỹ đơn thư để vừa không bỏ sót nội dung công dân kiến nghị, vừa rút ngắn được thời gian giải quyết. Ông Lộc cho rằng, trong giải quyết khiếu nại thì việc hướng dẫn người dân viết đơn đúng quy định, trực tiếp lắng nghe là điều cần thiết ban đầu nhằm làm giảm bức xúc, tiếp đó là phân tích một cách thuyết phục để xây dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền. Đơn thư nào gửi chưa đúng thẩm quyền, ông hướng dẫn người dân, đồng thời tham mưu với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
Do cách làm việc khoa học, hiệu quả, địa bàn ông Nguyễn Hữu Lộc phụ trách (quận Ba Đình và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng, Chương Mỹ) những năm gần đây số vụ khiếu nại giảm đáng kể, phần lớn các vụ việc phát sinh được giải quyết triệt để. Trong 16 năm, ông Lộc đã trực tiếp chỉ đạo và tham mưu giải quyết 210 vụ khiếu nại tố cáo, tổ chức tiếp 1.600 lượt công dân, làm trưởng đoàn của 36 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Qua đó, đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi đưa vào quản lý trên 478 tỷ đồng, 1.600m2 đất… góp phần phòng chống tham nhũng, ổn định tình hình chính trị xã hội ở địa phương. Cấp trên còn tín nhiệm giao ông tham gia giải quyết nhiều vụ việc ở ngoài địa bàn phụ trách. Tính từ năm 2011 đến tháng 6-2012, ông đã tham gia giải quyết 59 vụ việc điều chuyển từ địa bàn khác sang.
Luôn trăn trở với công tác giải quyết khiếu nại, năm 2009, ông Nguyễn Hữu Lộc đã tham gia nghiên cứu, xây dựng đề tài "Quy định về việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại ở xã, phường, thị trấn" - đây là quy trình bắt buộc khi giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. Đề tài này mang tính thực tiễn cao, góp phần giảm bớt bức xúc của người dân khi khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Năm 2010 đề tài này được đưa vào cuốn sách "Các quy định mẫu về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn", hiện đang được các đơn vị trên toàn TP triển khai thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.