Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luôn khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngân Vũ| 03/05/2014 07:41

(HNM) - Giành giải Nhì dòng nhạc dân gian trong cuộc thi Sao Mai 2013 nhưng phải đến cuối tháng 4-2014, ca sĩ trẻ Trần Thụy Miên mới thực hiện album đầu tay mang tựa đề


Thực hiện nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ý tưởng xuyên suốt của album này là nỗi nhớ nhung, mong chờ của người con gái dành cho người yêu đang làm nhiệm vụ ngoài mặt trận. Thụy Miên đã chia sẻ về việc thực hiện sản phẩm này.

"Sao Mai" Trần Thụy Miên.



- Thông thường, các ca sĩ trẻ sau khi giành giải thưởng âm nhạc là bắt tay ngay vào việc ra album để khẳng định mình, tại sao đến giờ này Thụy Miên mới ra mắt sản phẩm đầu tay?

- Đây là thời điểm tôi nhận thấy giọng hát của mình đã đủ độ chín và bản thân đủ trải nghiệm để thực hiện một sản phẩm âm nhạc. Làm album tưởng dễ, nhưng đó thật sự là thách thức đối với ca sĩ trẻ, bởi album đầu tay như lời tuyên ngôn của mình về phong cách âm nhạc mà mình theo đuổi. Nếu vội vã, sản phẩm rất dễ lâm cảnh mờ nhạt. Tôi còn trẻ, không nên vội vã chạy theo trào lưu nhất thời.

- Trong những ngày cả nước hướng đến lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 39 năm Ngày Giải phóng miền Nam, nhiều nghệ sĩ lão thành đã thực hiện sản phẩm âm nhạc để hưởng ứng. Một ca sĩ thế hệ 9X thực hiện album nhạc cách mạng vào thời điểm này rất dễ bị cho là mang tính “mùa vụ”, chị nghĩ thế nào về điều đó?

- Tôi theo đuổi dòng nhạc dân gian, mà dòng nhạc này không có nhiều bài hát mới, thường là những ca khúc đã được đông đảo công chúng biết đến, vì thế, khó tránh khỏi việc bị phán xét. Nhưng, lý do tôi chọn thời điểm này để ra mắt album đầu tay vì cá nhân muốn nói rằng, thế hệ trẻ vẫn luôn khắc ghi lịch sử, nhớ đến sự hy sinh mất mát của thế hệ cha anh để chúng tôi có được cuộc sống đủ đầy trong hòa bình. Với tôi, đó là điều quan trọng.

- Các ca khúc trong album rất đỗi quen thuộc, nhưng lại được thể hiện trên bản phối mới, phần hình ảnh cũng được thiết kế lạ mắt, giống như những bức tranh cổ động. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?

- Đây là sản phẩm mà tôi đầu tư khá kỹ, nhờ ê kíp trong TP Hồ Chí Minh thực hiện. Toàn bộ phần thiết kế bìa là do nhà thiết kế Công Trí thực hiện, mất khá nhiều thời gian vì tôi muốn phần hình thức phải toát lên được câu chuyện xuyên suốt trong album, nói về tình yêu, nỗi nhớ nhung và sự tin tưởng của những cô gái từ hậu phương gửi ra mặt trận. Phần âm nhạc, tôi nhờ nhạc sĩ Nhật Trung, anh ấy đã phối khí lại toàn bộ các ca khúc theo hơi thở mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của những ca khúc đã quen thuộc.

- Có nhiều người nhận xét rằng trong album này chị hát giống phong cách của NSND Thu Hiền. Có chăng, vì là học trò cưng của NSND Thu Hiền nên Thụy Miên không thoát ra khỏi cái bóng của người đi trước?

- Ngày tôi còn nhỏ, NSND Thu Hiền là thần tượng của tôi. Sau này, tôi còn may mắn được cô dạy dỗ trong quá trình thi Sao Mai năm 2011 và năm 2013. Khi được học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cô Thu Hiền và cô Thu Lan là người đã dạy tôi rất nhiều, từ cách dàn dựng bài vở lẫn cách hát. Nếu ai đó nói tôi hát giống NSND Thu Hiền thì với tôi, đó quả là niềm hạnh phúc, đơn giản vì để giống được những người tài giỏi đâu phải chuyện dễ. Tôi còn rất trẻ, luôn ý thức được việc mình còn phải học hỏi hơn nữa để tìm màu sắc riêng của mình trên con đường âm nhạc trước mắt.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Album "Thương một người ở xa" gồm 9 ca khúc mang âm hưởng dân gian, trữ tình, rất hợp với bối cảnh cả nước hướng về những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ngoài ca khúc mới "Karamata - Kỷ vật cho anh" song ca với ca sĩ Quang Hào, mang âm hưởng dân tộc Chăm, 8 ca khúc còn lại đều quen thuộc, đó là "Lời người ra đi" (nhạc sĩ Trần Hoàn), "Thương một người ở xa" (nhạc sĩ Hoàng Phương), "Tình đất đỏ miền Đông" (nhạc sĩ Trần Long Ẩn), "Trên những tuyến đường quan họ" (nhạc sĩ Nguyên Nhung), "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - song ca cùng Quang Hào)…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luôn khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.