Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng trong xử lý rác thải

Nguyễn Lê| 01/07/2016 07:48

(HNM) - Mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải chi hàng nghìn tỷ đồng để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập, lúng túng, thậm chí bất lực. Một lượng lớn rác thải đã không được thu gom, xử lý đúng cách, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Thả nổi

Đi dọc quốc lộ 1A, đoạn qua quận Thủ Đức, Quận 12, dễ dàng bắt gặp nhiều bãi rác tự phát ven đường. Nguyên do là các công ty, xí nghiệp, kho bãi, chợ trong khu vực ngày ngày xả rác tùy tiện, do không được thu gom, xử lý kịp thời nên thành những bãi rác lớn. Không chỉ ở khu vực ngoại thành, nhiều bãi rác tự phát cũng xuất hiện ở những khu dân cư sầm uất trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Đơn cử, tại góc đường Tân Sơn - Quang Trung thuộc địa bàn quận Gò Vấp xuất hiện một bãi rác tự phát dài hàng trăm mét trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Bãi rác này tồn tại nhiều năm, không những gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn giao thông. Tại địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú cũng xuất hiện nhiều bãi rác tự phát ở những khu đất trống, ven các tuyến đường, thậm chí ngay trong hẻm đông dân cư.


Các bãi rác tự phát xuất hiện ở nhiều nơi.


Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày toàn thành phố thải ra gần 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng số lượng được thu gom, xử lý chỉ hơn 7.000 tấn, còn lại được khoán cho các đơn vị thu gom rác dân lập. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến rác thải không được xử lý triệt để, xả bừa bãi đất trống, ven đường, khu công cộng.

Khó với việc quản rác "dân lập"

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố phải chi từ 2.200 đến 2.400 tỷ đồng cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 10% chi phí do chủ các nguồn xả thải chi trả, còn lại là ngân sách nhà nước. Số kinh phí này phục vụ cho các hoạt động như thu gom chất thải rắn tại các nguồn phát thải; vận chuyển chất thải từ các điểm tập kết đến trạm trung chuyển và từ trạm trung chuyển đến các khu liên hợp, nhà máy xử lý tập trung; quét dọn, vệ sinh đường phố, các khu công cộng... Mặc dù kinh phí dành cho công tác xử lý chất thải sinh hoạt rất lớn nhưng hoạt động thu gom rác trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều bất cập. Hiện lực lượng thu gom chủ yếu được thực hiện bởi các tổ vệ sinh thuộc các công ty dịch vụ công ích quận, huyện và lực lượng thu gom rác dân lập theo các "dây" rác (khoảng 180 - 200 hộ/"dây" rác). Tuy nhiên, chất lượng thu gom ở các "dây" rác không đồng đều, nhất là các "dây" rác dân lập. Nhiều "dây" rác thu gom tùy tiện, thu gom rác không triệt để, chở bằng xe tự chế, gây mất vệ sinh, thậm chí còn thu phí tùy tiện.

Khó khăn chung của các địa phương trong việc quản lý các "dây" rác dân lập là thiếu nguồn nhân lực, trong khi nhiều phường, xã có tới hàng nghìn "dây" rác. Ngoài ra, phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn trong việc thu phí vệ sinh môi trường ngoài hộ gia đình, cụ thể mức phí thu gom theo quy định thấp khiến các đơn vị thu gom khó triển khai tại các nguồn phát thải lớn như nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng...

Muốn chấn chỉnh lại hoạt động thu gom rác, các chuyên gia về môi trường đô thị cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các đường "dây" rác trên địa bàn, sau đó tiến hành sắp xếp lại theo từng đơn vị hành chính nhỏ nhất (khu phố, tổ dân phố) để tránh tình trạng thả nổi trong hoạt động thu gom, qua đó giúp công tác giám sát, quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, nhất là các đơn vị dân lập để nâng cấp phương tiện thu gom nhằm bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, đồng thời điều chỉnh mức phí thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa bàn để bảo đảm đời sống cho lực lượng thu gom cũng như phù hợp với đối tượng chi trả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng trong xử lý rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.