Hôm nay (26.2), thông tư quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư chính thức có hiệu lực.
Từ ngày 26.2, quy định về việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm ngư chính thức có hiệu lực |
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, Liên Bộ Công an - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BCA-BNNPTNT quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng kiểm ngư.
Theo đó, việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư được xác định phải tuân thủ Hiến pháp, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này. Đồng thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Kiểm ngư; bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.
Cụ thể các loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Kiểm ngư gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; Các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, áo giáp các loại, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn.
Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ là: Cục Kiểm ngư; Chi cục Kiểm ngư Vùng; Chi đội Kiểm ngư; Trạm Kiểm ngư và Tàu Kiểm ngư.
Một trong những tàu kiểm ngư hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam |
Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 9 của Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khí quân dụng trong khi thi hành công vụ.
Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 30/2012/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.
Thông tư quy định, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý và bảo quản tập trung tại kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng. Kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải phân công người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tđể bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, bảo quản theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.