Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lực hấp dẫn chưa đủ lớn

Khánh Vũ| 10/11/2015 06:28

(HNM) - Vừa qua, tại cuộc họp đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình, nguồn nhân lực cho lĩnh vực NLNT được các chuyên gia trong ngành coi là vấn đề cấp bách và là yếu tố ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng, vận hành các nhà máy điện hạt nhân.


Kỹ năng ngoại ngữ yếu là rào cản đáng kể

Theo Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT", đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân; 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành quản lý. Trong số nói trên có ít nhất 200 kỹ sư và 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy và 500 lượt nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các nước phát triển về NLNT. Còn theo Bộ KH&CN, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực NLNT của nước ta đến năm 2020 là hơn 4.300 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần gần 3.000 người.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Vũ Sinh



Trong khi đó, hiện Việt Nam chỉ có chưa đầy 1.000 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực NLNT. Nhân lực ngành có sự thiếu hụt ở cả các cơ quan pháp quy, các viện nghiên cứu và các trường đại học (ĐH). Cơ sở vật chất và thiết bị còn thiếu hoặc chưa được sử dụng một cách hiệu quả cho việc đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Sự phối hợp để đào tạo nguồn nhân lực giữa các cơ quan trong nước hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu và còn có nhiều hạn chế, sự hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo cũng chưa mang lại bước tiến đáng kể. Đặc biệt, hiện nay, ngành đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ trẻ có thể đáp ứng được các yêu cầu cho việc cử đi đào tạo ở nước ngoài, cả về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng ngoại ngữ; trong đó, kỹ năng ngoại ngữ đang là rào cản lớn nhất.

Khó khăn và thách thức thấy rõ đòi hỏi phải có kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể. Hiện nay, trên phạm vi cả nước, chúng ta có một số nơi tham gia đào tạo nhân lực NLNT như hai trường ĐH Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Điện lực và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN). Các cơ sở này mỗi năm cho ra trường hơn 200 sinh viên, không đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh cũng không thuận lợi do nhu cầu tuyển dụng chưa nhiều, chưa rõ, mức lương không hấp dẫn. Trong khi nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao đang thiếu thì dự kiến tới năm 2020, khi Trung tâm KH&CN hạt nhân Đà Lạt với công suất 15MW đi vào hoạt động, chúng ta cần có khoảng 400 cán bộ, chuyên gia để vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Ưu đãi lớn nhưng chưa được thụ hưởng

Để bảo đảm nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành NLNT nói chung và cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai, nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút sinh viên đã được đưa ra. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá cho sinh viên theo học ngành NLNT. Sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng. Sinh viên năm cuối đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong hoặc ngoài nước, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan NLNT mà không phải thử việc. Những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành NLNT được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI...

Mức ưu đãi nói trên được cho là hấp dẫn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo các cơ sở đào tạo đã dẫn ở trên, dù chính sách ưu đãi đã có nhưng sinh viên trong ngành vẫn chưa được thụ hưởng. Mới đây, đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm trường tuyển khoảng 60 sinh viên cho các ngành NLNT với điểm đầu vào rất cao và tăng dần sau mỗi năm. Các sinh viên này vẫn phải đóng học phí như bình thường chứ chưa nhận được sự hỗ trợ theo chính sách ưu đãi. Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT được triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng (trong đó có 2.000 tỷ từ ngân sách nhà nước), chưa kể một đề án riêng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, hiện mới chỉ có hơn 10 tỷ đồng được giải ngân. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân giải thích: Sự chậm trễ này là do những bất cập trong sự phối hợp giữa các bộ liên quan: Đề xuất của Bộ KH&CN phải qua Bộ GD-ĐT rồi mới được đưa tới Bộ Tài chính để phê duyệt. Để tránh tình trạng này, Bộ KH&CN đã nhiều lần kiến nghị được chủ động đề xuất kinh phí sang Bộ Tài chính.

Về vấn đề đào tạo nhân lực ngành NLNT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Cần xác định rõ nhu cầu nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân giai đoạn 2020-2030 cũng như nhu cầu nhân lực NLNT đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài nguyên - môi trường, an ninh - quốc phòng và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân. Chỉ dựa trên cơ sở số liệu chính xác về nhu cầu nhân lực thì chúng ta mới có thể xây dựng được kế hoạch tổng thể và lộ trình đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực hấp dẫn chưa đủ lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.