(HNM) - Khu vực nông thôn Hà Nội có diện tích tới 2.840km2 với dân số trên 4 triệu người. Để phát huy toàn bộ tiềm năng của khu vực này, ngày 29-8-2011 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 02 về
Tại hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện CT02 vừa diễn ra đã có nhiều ý kiến khẳng định, dù mới triển khai trong thời gian ngắn song trên thực tế việc thực hiện ở nhiều địa phương đã thu được kết quả khả quan.
Nhiều dự án đã được triển khai
CT02 đã đặt ra một số mục tiêu, cụ thể là về nông nghiệp, TP phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 1,5-2%/năm trở lên; giá trị sản xuất thực tế đạt 231 triệu đồng/ha. Về xây dựng NTM, đến năm 2015, có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành quy hoạch các xã xây dựng NTM trong năm 2012. Thu nhập của nông dân phấn đấu đạt 25 triệu đồng/người/năm; lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 55%; trung bình giải quyết việc làm cho 70.000 - 75.000 lao động/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm…
Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức).Ảnh: Thái Hiền
Sau một thời gian triển khai, BCĐ thực hiện CT02 đánh giá, các nội dung, đề án đều đã được triển khai theo đúng kế hoạch. Đã có nhiều dự án đầu tư phát triển nông nghiệp được xây dựng và phê duyệt với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng như các quy hoạch về thủy lợi, rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. TP cũng đã xây dựng 12 đề án (trong đó có 5 đề án đã được phê duyệt) về sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, thủy sản, nước sạch, chăn nuôi xa khu dân cư… Kết quả, sản xuất nông nghiệp năm 2011 toàn TP đạt mức tăng trưởng 4,38%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 188,4 triệu đồng/ha. TP cũng đã hỗ trợ xây dựng 40.000 công trình xử lý nước quy mô hộ gia đình; 6 công trình cấp nước sạch liên xã tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Mê Linh… đáp ứng nhu cầu nước sạch cho khu vực nông thôn. BCĐ thực hiện CT02 của TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tập huấn, đào tạo nghề cho 18.000 lượt nông dân và cán bộ cơ sở; xây dựng được 16 vùng lúa hàng hóa quy mô trên 5.000ha, 20 mô hình trình diễn với khoảng 1.000ha áp dụng 3 giảm, 3 tăng… Phong trào xây dựng NTM đã triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả. Ngoài 19 xã làm điểm xây dựng NTM của TƯ, TP và các huyện, đến hết năm 2011, 325 xã khác trên địa bàn TP cũng đã lập xong đề án xây dựng NTM. Riêng đối với 19 xã điểm, sau hai năm thực hiện, xã Thụy Hương (Chương Mỹ) đã hoàn thành thêm được 17 tiêu chí; sau một năm thực hiện, xã Song Phượng (Đan Phượng) đã hoàn thành được 14 tiêu chí, xã Mai Đình (Sóc Sơn) hoàn thành 12 tiêu chí, xã Đại Áng (Thanh Trì) hoàn thành 8 tiêu chí... Nhiều địa phương đã vượt qua khó khăn thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM. Điển hình như huyện Sóc Sơn làm tốt dồn điền đổi thửa, huyện Mê Linh làm tốt công tác quy hoạch…
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Thực hiện CT02, trong năm 2012 Hà Nội phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP đạt trên 188 triệu đồng/ha. Đối với xây dựng NTM, có 19 xã đạt đủ tiêu chí NTM. Thu nhập bình quân của nông dân đạt 15 triệu đồng/người/năm… Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, đây là một thách thức lớn bởi nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn chưa phù hợp, hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư toàn TP. Bí thư Huyện ủy huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên dẫn chứng, tổng thu ngân sách hàng năm của huyện chỉ đạt khoảng 700 tỷ đồng, trong khi tổng chi cho các hoạt động là 688 tỷ đồng nên kinh phí dành cho xây dựng NTM là rất hạn chế. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn để có kinh phí xây dựng NTM, huyện tập trung khai thác nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đến nay một số khu đấu giá trên địa bàn đã làm xong hạ tầng nhưng vẫn chưa tổ chức đấu giá được do những vướng mắc về cơ chế, thủ tục...
Tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện CT02, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Trưởng BCĐ thực hiện CT02 Nguyễn Công Soái cho rằng, để từng bước tháo gỡ khó khăn các cấp ủy Đảng cùng cả hệ thống chính trị cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân, cán bộ cơ sở hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện CT02. Cần tập trung vào dồn điền đổi thửa, quy hoạch, chuyển đổi mô hình kinh tế; áp dụng khoa học, cơ giới hóa trong nông nghiệp, huy động các nguồn lực xây dựng NTM... Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn xây dựng NTM theo đúng quy định, ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (giai đoạn 2011-2020) và kế hoạch sử dụng đất (giai đoạn 2011-2015) làm cơ sở thực hiện CT02. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện giải quyết việc đấu giá đất xen kẹt theo hướng thông thoáng. Riêng Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, phân cấp thực hiện cho cơ sở; tập trung tham mưu cho TP xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2013…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.