(HNM) - Theo Sở NN&PTNT, hiện Hà Nội có khoảng 12.041ha rau các loại, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha/vụ, sản lượng rau ước đạt 570.000 tấn/năm; đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân Thủ đô, còn lại 40% phải tiếp nhận từ các địa phương khác.
Để người dân được sử dụng rau an toàn (RAT), Hà Nội triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2009-2015. Theo lộ trình, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 5.000 - 5.500ha RAT nhưng đến thời điểm này, mới có trên 3.255ha rau sản xuất theo quy trình RAT, sản lượng ước đạt khoảng 228.000 tấn/năm.
Nông dân xã Tiền Yên (Hoài Đức) thu hoạch rau an toàn. Ảnh: Bá Hoạt
80% lượng rau trên thị trường đang... thả nổi
Dù các dự án sản xuất RAT đang được triển khai quyết liệt, tuy nhiên còn quá nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như các quy định về quy hoạch, chỉ giới đường đỏ... cũng như khó khăn về khâu tổ chức sản xuất của các địa phương. Đánh giá tiến độ đề án sản xuất RAT, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Thị Hoa cho biết: Đến nay, các quận, huyện, DN đã lập 24 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 1.652,80ha, nhưng mới có 8/24 dự án được phê duyệt với diện tích 403ha, hiện đang thi công hạ tầng, hoặc chuẩn bị bước vào sản xuất. Chi cục BVTV đang tiến hành định vị các vùng rau, dự kiến năm 2012 phát triển diện tích RAT của Thủ đô đạt con số 3.800ha.
Có một nghịch lý là dù RAT mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, nhưng việc tiêu thụ RAT lại gặp rất nhiều khó khăn do chưa phân biệt được rau bẩn, rau sạch, sự nhập nhèm giữa RAT và rau đại trà khó được kiểm soát.
Khó kiểm soát nguồn gốc
Hằng đêm có mặt tại chợ đầu mối rau lớn của Hà Nội như Vân Nội, Đông Anh, chợ Long Biên... dễ dàng nhận thấy có hàng loạt xe tải lớn nhỏ cùng xe thồ chở rau của tư nhân cung cấp cho thị trường Hà Nội. Một tiểu thương chuyên nhập hàng tại chợ đầu mối Long Biên cho biết, hằng ngày họ đến lấy rau mang về bán lẻ tại các chợ nội thành. Khi hỏi nguồn gốc rau, các tiểu thương đều trả lời: Chỉ biết rau các tỉnh và các huyện ngoại thành chuyển lên, mua đi bán lại không cần nắm nguồn gốc. Những xe tải to thì thường là của các tỉnh lân cận còn xe thồ nhỏ thì của các huyện ngoại thành. Theo Chi cục BVTV, hằng năm Chi cục có tiến hành kiểm tra các vùng sản xuất RAT và các vùng sản xuất rau đại trà của Hà Nội. Chi cục Trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết, năm 2011, Chi cục lấy 600 mẫu để phân tích kiểm tra chất lượng. Kết quả phát hiện 25/600 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 4,1%). Ngoài ra, phối hợp với Cục BVTV và Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, Chi cục BVTV Hà Nội đã tổ chức 70 lượt kiểm tra các cơ sở sơ chế và cửa hàng kinh doanh RAT; lấy 110 mẫu rau các loại để kiểm tra chất lượng, phát hiện 5 mẫu có mức dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 4,5%). Để hạn chế các vùng rau sản xuất tự do, hiện Chi cục đang đẩy mạnh xây dựng các vùng RAT, những vùng sản xuất rau truyền thống được định hướng để đưa vào vùng sản xuất RAT.
Đối với 40% sản lượng rau nhập từ các tỉnh, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp với các tỉnh lấy 50 mẫu rau để kiểm tra chất lượng, phát hiện 8/50 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 16%). Tuy nhiên, lượng rau ngoại tỉnh vào Hà Nội được kiểm tra là rất ít. Bà Nguyễn Thị Hoa cho rằng, để kiểm soát rau từ các tỉnh nhập vào Hà Nội cần sự phối hợp của các địa phương. Hằng năm, Chi cục BVTV Hà Nội có tổ chức tới các vùng trồng rau ở các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh… nơi có số lượng rau khá lớn chuyển về Hà Nội tiêu thụ để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và bàn các biện pháp quản lý nguồn gốc nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện Hà Nội đang phối hợp Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thí điểm quản lý chất lượng rau ở các chợ đầu mối, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, do chưa có quy định bắt buộc người trồng rau, kinh doanh rau phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên khi phát hiện mẫu rau có dư lượng thuốc trừ sâu quá quy định cũng không thể truy nguyên nguồn gốc để xử lý nơi sản xuất. Tất cả những vấn đề nêu trên dẫn tới tình trạng khó kiểm soát được chất lượng rau trên địa bàn Hà Nội như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.