(HNM) - Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, mở ra trang mới cho hoạt động thư viện trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những hành động để đưa Luật Thư viện nhanh chóng đi vào cuộc sống.
- Ông có thể cho biết những điểm mới của Luật Thư viện so với Pháp lệnh Thư viện và nhân tố quan trọng trong luật tạo nên sự đột phá cho việc phát triển văn hóa đọc ở nước ta hiện nay?
- Luật Thư viện với 6 chương, 52 điều, đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định, đó là quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện có nhiều điểm mới, cần thiết cho sự phát triển thư viện, tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thư viện. Đó là bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số, đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện, định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động thư viện.
Nhân tố đột phá trong Luật Thư viện là xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Xã hội hóa thư viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng, cùng tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức, nhân lực, vật lực để phát triển thư viện. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Khi các thư viện ở nước ta đẩy nhanh việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện đa phương tiện, liên thông thư viện, truy cập mở… sẽ đáp ứng tốt nhu cầu độc giả thời đại mới.
- Để Luật Thư viện đi vào cuộc sống, cần có nghị định, thông tư hướng dẫn. Công tác này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Trong 2 năm 2018 và 2019, cùng với việc xây dựng dự thảo Luật Thư viện, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, các thư viện, nhà nghiên cứu tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thư viện. Ngay khi Luật Thư viện được thông qua, cuối tháng 12-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 hội nghị triển khai Luật Thư viện tại khu vực phía Bắc và phía Nam, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các đại biểu cho dự thảo nghị định. Được biết, Bộ sẽ hoàn thiện các nội dung quan trọng này và trình lên Chính phủ vào tháng 4-2020. Khả năng, đến ngày 1-7-2020, khi Luật Thư viện có hiệu lực, thì nghị định cũng được ban hành và triển khai đồng bộ.
- Theo ông, những nội dung nào của Luật Thư viện cần được quy định cụ thể, chi tiết trong các nghị định, thông tư?
- Luật Thư viện đã nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thư viện. Cụ thể, tại Điều 4: Chính sách Nhà nước về phát triển thư viện; Điều 6: Xã hội hóa trong hoạt động thư viện; Điều 8: Điều kiện thành lập thư viện; Điều 22: Trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện và Điều 29: Liên thông thư viện...
Trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện sẽ phải nêu rõ tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư, như Thư viện quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện các trường đại học. Các nội dung khác cũng cần quy định và hướng dẫn chi tiết như: Quy định tài liệu quý hiếm, có giá trị đặc biệt về lịch sử; phòng đọc cơ sở, không gian đọc; điều kiện thành lập thư viện đại học, thư viện cấp tỉnh, huyện, xã… Bên cạnh đó, theo thẩm quyền được quy định trong Luật Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành một số thông tư liên quan đến các nội dung tại Điều 7: Tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện; Điều 25: Thanh lọc tài nguyên thông tin; Điều 27: Bảo quản tài nguyên thông tin; Điều 37: Đánh giá hoạt động thư viện...
- Để góp phần triển khai hiệu quả Luật Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam sẽ tiến hành những công việc gì, thưa ông?
- Hội Thư viện Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được thành lập từ năm 2006, đến nay đã có 336 tổ chức thành viên, với hơn 5.800 hội viên. Bên cạnh việc tích cực tham gia xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thư viện, chúng tôi đã có những bài viết để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, kết nối với hơn 200 website của thư viện tỉnh, thành phố và các thư viện trường đại học, nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Thư viện. Song, điều quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành để phổ biến Luật Thư viện. Luật càng được nhiều người hiểu biết và thực hiện sẽ càng mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho người dân, thúc đẩy phong trào đọc sách, phục vụ nhân dân học tập suốt đời.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.