(HNM) - Ngày 16-1, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và thảo luận về dự thảo lần 3 Luật Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch UB MTTQ TP Phạm Xuân Hằng cùng các thành viên Ban soạn thảo Luật Thủ đô, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc TP tới dự và thảo luận. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Trưởng ban soạn thảo) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo (Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo) chủ trì hội nghị.
Cơ chế đặc thù gia tăng trách nhiệm
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Quý
Báo cáo tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô đánh giá cao hiệu quả của văn bản này và đã tập trung phân tích về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan. Trong đó, khó khăn lớn nhất là pháp lệnh chưa đủ "tầm", nên đã không tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện những biện pháp quản lý, tổ chức phù hợp với điều kiện mang tính đặc thù của mình. Những điều này đã được phân tích chi tiết trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đại biểu tham dự hội nghị đã bày tỏ sự đồng tình và thống nhất về tầm quan trọng, cũng là đòi hỏi tất yếu phải xây dựng Luật Thủ đô để tạo cơ sở pháp lý xứng đáng cho Thủ đô phát triển bền vững, xứng tầm và thực sự là "trái tim của cả nước".
Ban soạn thảo Luật Thủ đô sau khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập đã triển khai rất nhiều công việc cần thiết để xây dựng dự thảo luật. Nổi bật là đã phân tích, nghiên cứu, học tập các nước trên thế giới, đặc biệt là tình hình thực tế tại Hà Nội. Dự thảo lần 3 của Luật Thủ đô đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thủ đô, đồng thời có bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề. Dự thảo luật gồm 7 chương, 59 điều. Điểm nổi bật là trong dự thảo, vấn đề văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được đặt ra đầu tiên trước nhóm các vấn đề kinh tế. Ở mỗi mục như khoa học - công nghệ đều chia làm 3 phần: phần quy định chung, phần trách nhiệm của các cơ quan TP Hà Nội và phần trách nhiệm của các bộ, ngành TƯ. Dự thảo luật lần 3 đã làm nổi bật một số vấn đề có thể coi là "trao cơ chế đặc thù cho Hà Nội" như cho phép TP giữ lại 50% các khoản thu ngân sách và 100% số thu tăng so với dự toán TƯ giao; được phép ban hành một số quy định thưởng phạt, thi tuyển công chức, chế độ lương, nhập cư… khác với các địa phương khác. Song song với đó, dự thảo cũng làm rõ các quy định trách nhiệm liên quan. Điều dễ nhận thấy là đi kèm với cơ chế, chính sách đặc thù, có phần thuận lợi cho phát triển, quản lý, các cơ quan TP sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, chịu trách nhiệm cao hơn.
Tất cả vì lợi ích chung
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, ông đã rất trăn trở và mong muốn xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trước yêu cầu CNH, HĐH đất nước ngày càng cao hiện nay. Hà Nội có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh, từ văn hóa đến lịch sử, nhất là sau khi mở rộng. Nên Luật Thủ đô cần được xây dựng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho Hà Nội phát huy được tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để phát triển bứt phá. Việc soạn thảo cũng phải xác định rõ, Hà Nội là Thủ đô, trách nhiệm của TP là chính, nhưng các bộ, ngành, các tỉnh, thành cả nước cũng phải có trách nhiệm đóng góp, xây dựng Thủ đô. Do đó, cần thiết phải lấy ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh, thành khác để tạo sự đồng thuận.
Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch QH, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất vui mừng khi QH đưa Luật Thủ đô vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2010. Nhưng để luật thực sự đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích chung cho Thủ đô, cho cả nước, chất lượng tiếp tục phải là ưu tiên hàng đầu, cho dù thời gian không còn dài. Đồng chí lưu ý việc xây dựng những quy định mang tính đặc thù của Luật Thủ đô, khác với quy định chung, phải được thuyết minh sâu sắc, lập luận chặt chẽ, khoa học; phải phân định rõ ràng giữa cái chung và cái riêng, không tuyệt đối hóa, cũng không cường điệu hóa; quan trọng nhất là bảo đảm tính khả thi cao. Bí thư Thành ủy dẫn chứng một số việc cho thấy Thủ đô rất cần có cơ chế đặc thù, chẳng hạn quy định về tiêu chuẩn môi trường phải cao hơn: Ở các tỉnh khác, chặt 10 cây xanh có khi không bị phạt, nhưng ở Hà Nội, chỉ cần bẻ cành là phải bị phạt rồi… Đồng chí nhấn mạnh, quan điểm soạn thảo Luật Thủ đô cần quán triệt là tất cả vì cái chung, để xây dựng Thủ đô, "trái tim của cả nước", đô thị đầu não quốc gia, văn minh và hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.