(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, ngày 26-6, lãnh đạo TP Hà Nội đã có cuộc giao ban chuyên đề với cán bộ chủ chốt của 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành toàn thành phố.
Động thái này được dư luận đánh giá rất cao, nhấn mạnh vào quyết tâm của thành phố trong xử lý các vi phạm về quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên, những thông tin sau cuộc họp này được đăng tải trên báo chí lại cho thấy một thực tế thật buồn khi nhiều bài báo giật tít "chính quyền tiếp tay cho sai phạm" để nói về thực trạng thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào làm theo yêu cầu của chủ đầu tư. Tức là, đáng lẽ khi thấy sai phạm thì phải bàn biện pháp xử lý nghiêm túc, nhưng ở đây lại cùng bàn cách... hợp thức hóa sai phạm. Thậm chí có trường hợp chính Sở Xây dựng cũng làm trái các quy định của pháp luật và của UBND TP để làm lợi cho chủ đầu tư. "Đó là điều rất không bình thường" - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đánh giá.
Riêng với vụ vi phạm tại số 55A-55B phố Bà Triệu được đánh giá là có mức độ sai phạm nghiêm trọng điển hình. Từ giữa tháng 4-2012 đến nay, Báo Hànộimới đăng tới 9 bài báo dường như mới "đánh động" được các cấp quản lý. Và trong cả thời gian ấy, lãnh đạo báo cũng như các phóng viên trực tiếp viết bài phản ánh vụ việc đã phải chịu rất nhiều sức ép từ những cuộc điện thoại, những lời nhắn "cảnh cáo". Điều ấy cho thấy "sức mạnh đáng nể" của những "thế lực" có thể can gián vào công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Hãy nhìn sang một số nước bên cạnh chúng ta. Vừa mới đây, báo chí trong nước cũng từng đưa tin có những trường hợp nhà của quan chức chính quyền cũng bị lực lượng quản lý đô thị đưa phương tiện đến cưỡng chế cắt bớt phần xây dựng sai giấy phép. Khoan nói về việc vi phạm của những vị quan chức trên, hãy nhìn vào hình ảnh cơ quan quản lý thực thi lệnh cưỡng chế để thấy rõ về thái độ của chính quyền với sai phạm.
Trở lại với câu chuyện của Hà Nội. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, hậu quả của vi phạm trật tự xây dựng là nặng nề, rất khó khắc phục. Một công trình đã xây lên rồi, xử lý sai phạm, cắt nóc cũng ít nhiều làm hỏng kiến trúc của chính các công trình đó, gây lãng phí, tốn kém cho cá nhân và xã hội. Đặc biệt là làm hư hỏng một bộ phận cán bộ. Tinh thần trách nhiệm không tới nơi tới chốn thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế vào năm 2006-2007 nhiều công trình sai phép đã được thành phố kiên quyết "cắt ngọn". Một khi việc xử lý vi phạm được thực hiện cương quyết, luật pháp bất vị thân; một khi cán bộ cơ sở, hoặc cơ quan quản lý chuyên môn thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc trách nhiệm của mình sẽ không bao giờ xảy ra những vi phạm đáng tiếc như đã kể trên.
Dĩ nhiên, "cái sai đã xảy ra rồi thì phải quyết tâm sửa". Thực tế, trong các năm qua, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý cấp phường liên quan tới vi phạm trật tự xây dựng. Giờ đây, theo báo cáo, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn đọng gần 800 trường hợp vi phạm đòi hỏi phải tập trung xử lý, cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không có sự trừng phạt tương xứng với hành vi vi phạm, nếu còn bao che dung túng thì tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn, sẽ vẫn còn những người dám đặt lợi ích cá nhân lên trên luật pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.