Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật đầu tư công: Tăng quyền giám sát của người dân

Minh Bắc| 19/06/2014 09:12

(HNMO) - Mấy năm gần đây, hiện tượng đầu tư công kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đã được dư luận không đồng tình. Vì vậy, Luật đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua sáng 18/6/2014 hứa hẹn sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động đầu tư công hơn trong thời gian tới.

Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công (Ảnh: Tinnhanhchungkhoan)



Lĩnh vực đầu tư công được quy định trong Luật bao gồm: đầu tư các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trong nước và ở nước ngoài; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư bằng vốn đầu tư công trong phần Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư.

Như vậy, đầu tư công rõ ràng có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững, công bằng và tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Đầu tư công cũng tác động trực tiếp đến việc quản lý hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn lực công khác. Luật đầu tư công vừa ra đời sẽ là động lực thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Luật đầu tư công với 6 Chương, 108 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã thể hiện với rất nhiều điểm nhấn mạnh nhằm khắc phục những hạn chế nảy sinh trong quá trình thực hiện đầu tư công ở nước ta từ nhiều năm nay.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật là đã ghi nhận quyền được tham gia của người dân với các vai trò là chủ thể giám sát việc thực hiện quyền lực công; người sử dụng kết quả các công trình đầu tư công hoặc bị tác động trực tiếp bởi hoạt động đầu tư công. Luật bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công bao gồm cả việc lập kế hoạch đầu tư công; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cung cấp các dịch vụ công và đồng thời khẳng định vai trò của người dân, của các cơ quan dân cử trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát việc đầu tư công. Trước đây, khi đánh giá những công trình đầu tư công kém hiệu quả thì nguyên nhân kèm theo thường là do thiếu cơ chế để người dân tham gia giám sát hoặc giám sát thiếu thực chất.

Thực tế, tham vấn lấy ý kiến của người dân và cán bộ chính quyền ở một số địa phương cho thấy, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng trong lập kế hoạch và giám sát thực hiện các công trình đầu tư công thì ở đó có sự hài lòng của người dân.

Sự tham gia của người dân đã góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư công; người dân có thông tin đầy đủ về thiết kế, dự toán công trình, biết rõ công trình làm khi nào, tiến độ ra sao; họ đóng góp ý kiến về thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với văn hóa và điều kiện thực tế ở địa phương; người dân giám sát việc thực hiện thi công và góp phần đảm bảo chất lượng công trình. Ngược lại, khi thiếu vắng sự tham gia và giám sát hiệu quả của người dân các công trình, dự án đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí, chưa đáp ứng đúng nhu cầu và hoàn cảnh thực tế tại địa phương, thậm chí gây thiệt hại cho người dân.

Nhìn chung Luật đầu tư công đã thể hiện được nguyện vọng của người dân, đưa tính công khai minh bạch trong các hoạt động đầu tư công để đảm bảo làm tăng hiệu quả của đầu tư công. Hy vọng, sau ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực, sẽ làm cho đồng vốn nhà nước chi ra đúng nhu cầu, mục đích của mình hơn và thực sự tăng hiệu quả góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng đất nước./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật đầu tư công: Tăng quyền giám sát của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.