(HNM) - Ngày 6-7, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GT-VT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy cho biết: Hải Phòng hiện có 1.300 DN vận tải với hơn 7.100 đầu xe container đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại mới có 46 DN vận tải container được Sở GT-VT cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định với hơn 600 xe. Như vậy, còn tới hơn 90% số xe container của Hải Phòng chưa đủ điều kiện hoạt động do chưa có giấy đăng ký kinh doanh vận tải và phù hiệu. Cũng theo ông Lũy, lâu nay Sở GT-VT Hải Phòng không quản lý được xe container. Các DN chỉ cần mua xe, đăng ký kinh doanh với Sở KH-ĐT, xin cấp đăng ký ở Phòng CSGT xong là chạy. Sở GT-VT cũng chẳng làm gì được họ… Thanh tra Sở GT-VT Hải Phòng cho biết thêm, thời gian qua Sở GT-VT không xử lý được các vi phạm về giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu đối với xe container vì thẩm quyền của Thanh tra Giao thông chỉ được dừng xe khi đã phát hiện vi phạm. Còn theo Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hải Phòng, lực lượng CSGT chỉ được kiểm tra và xử lý đối với các lái xe ô tô tải vi phạm an toàn giao thông trên đường chứ không thể đến tận DN vận tải đề nghị kiểm tra xem họ có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô do Sở GT-VT cấp hay không…
Tóm lại, bây giờ quy kết trách nhiệm thuộc về ai, lực lượng nào là không đơn giản. Theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009/NĐ-CP thì các DN vận tải container phải được Sở GT-VT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và các xe container phải được cấp phù hiệu mới đủ điều kiện hoạt động, nếu không sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trách nhiệm xử lý những vi phạm thuộc lực lượng nào? Quy định điều đó không rõ ràng nên dù đã hơn nửa năm Nghị định sửa đổi có hiệu lực song các vi phạm vẫn không bị xử lý.
Ở một khía cạnh khác, Báo Tuổi trẻ ra ngày 8-7-2013 có bài "Bát nháo đào tạo lái xe ô tô". Bài báo đã phản ánh từ việc ngã giá, mặc cả đối với từng loại bằng lái xe ô tô cho tới việc làm khống giấy khám sức khỏe, "bao" thi từ lý thuyết tới thực hành rồi bán bằng lái xe làm từ "phôi" thật. Tất cả đều có nhân vật cụ thể, địa chỉ cụ thể và giá cả cụ thể…
Tính ra, ngành chức năng năm nào cũng tổ chức dăm lần thanh kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Cũng có chỗ này, chỗ kia bị nhắc nhở hay xử lý, có chỗ còn bị đình chỉ hoạt động vì không đủ điều kiện. Vậy mà tình trạng trên vẫn còn tồn tại. Phải chăng lực lượng chức năng bị qua mặt hay còn lý do nào khác dẫn đến việc "bịt mắt" những người thực thi công vụ? Tìm câu trả lời là không khó, nhưng tìm người để quy kết trách nhiệm cụ thể lại không dễ.
Trở lại với mục đích chính của hội nghị trực tuyến đã nêu ở đầu bài viết, có lẽ chúng ta không cần tìm thêm giải pháp để giải quyết tình hình mà điều cần làm trước tiên là hãy tìm cách thực hiện hiệu quả những biện pháp đang áp dụng. Song vấn đề là ở chỗ phải rõ ràng công việc, trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng lực lượng, thậm chí là từng cá nhân và điều đó phải được luật hóa. Hiện có khá nhiều dự án "treo" gây ra những hệ lụy không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội. Song điều đáng lo ngại hơn là trong quá trình vận hành của hệ thống pháp luật, không hiếm những vấn đề như đã nêu cũng bị… "treo" không chỉ riêng đối với lĩnh vực ATGT. Đó chính là lý do khiến các văn bản pháp luật đã và đang có không phát huy hiệu quả trong đời sống, còn chúng ta thì mất quá nhiều thời gian để tìm giải pháp giải quyết vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.