(HNM) - Theo lộ trình thực hiện các cam kết WTO, thị trường lương thực trong nước năm 2011 sẽ mở cửa tự do cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Trước kia, các DN nước ngoài muốn kinh doanh gạo tại Việt Nam phải liên doanh với DN trong nước, nay vai trò của hai bên hoàn toàn bình đẳng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các DN XK gạo trong nước không chủ động liên kết với nông dân, các cơ sở thu mua lúa gạo thì khó tránh khỏi thua trên sân nhà.
Giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn.Ảnh: TTXVN
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm nay sẽ XK 6 triệu tấn gạo với mục tiêu nỗ lực giữ giá XK gạo ở mức cao để nâng tổng giá trị kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, trong những năm tới Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu và phát huy giá trị XK đã đạt được. Cũng theo ông Phong, thị trường lúa gạo trong năm tới có nhiều thuận lợi, nhất là khi lượng gạo dự trữ ở nhiều vùng trên thế giới đang sụt giảm mạnh, diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi cho sản xuất lương thực. VFA dự báo, sản lượng năm nay có thể tăng và việc tiêu thụ cũng sẽ tăng. Indonesia dự kiến mua 1,5 triệu tấn gạo, nhưng có xu hướng tăng thêm do nhu cầu của thị trường nước này. Hay như Bangladesh trước đây không mua gạo Việt Nam nhưng năm 2010 đã nhập tới 400.000 tấn, đầu năm nay nhập thêm 250.000 tấn và vẫn muốn nhập thêm. VFA dự kiến tháng 1 và 2 sẽ giao khoảng 600.000 tấn, là lượng gạo gối đầu năm 2010 chuyển sang. Được biết, nhiều nhà nhập khẩu cũng đang muốn ký những hợp đồng mua lớn với Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu vui cho sự khởi đầu của XK gạo năm 2011.
Đánh giá về thị trường XK gạo năm nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, VFA và các DN XK gạo cần cân đối và điều hành tốt thị trường lúa gạo làm thế nào để giữ an ninh lương thực trong nước, thu mua lúa gạo bảo đảm cho nông dân có lãi. Quan trọng hơn là chủ động điều tiết thị trường, tránh tăng giá trong nước, đồng thời phải giữ được mức giá XK ngang bằng Thái Lan như năm 2010. Theo VFA, giá lúa vụ đông xuân sẽ không dưới 5.000 đồng/kg. Nếu giá lúa tụt dưới 5.000 đồng/kg, VFA sẽ thu mua dự trữ nhằm bảo đảm nông dân có lãi 30% theo chủ trương của Nhà nước.
Còn nhiều khó khăn
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường sản xuất và tiêu thụ gạo trên thế giới năm nay sẽ tăng. Tuy nhiên, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những diễn biến tài chính và giá cả vật tư, phân bón... Ngoài ra, sản xuất lúa gạo còn phải đối mặt với diễn biến thời tiết ngày một phức tạp. Miền Bắc đang hạn, miền Nam cũng có nguy cơ ngập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lúa gạo năm nay. VFA cảnh báo các DN cần chuẩn bị phương án để duy trì lượng gạo cũng như giá trị XK trong năm nay. Ngoài ra, cần tính tới việc Philippines trong năm 2011 sẽ giảm 2/3 lượng nhập khẩu gạo, do lượng gạo dự trữ của năm 2010 còn rất lớn. Điều này cũng gây tác động đến thị trường XK gạo năm nay của Việt Nam.
Theo ông Trương Thanh Phong, năm 2011, các DN XK gạo còn phải cạnh tranh với các DN nước ngoài ngay trên sân nhà. Theo lộ trình cam kết với WTO, Việt Nam sẽ mở cửa cho các DN nước ngoài vào mua bán gạo trong nước, DN nước ngoài sẽ có chiến lược để chiếm lĩnh thị trường, chiếm lĩnh nguồn cung nếu các DN trong nước không có phương án liên kết với các cơ sở thu mua lúa gạo, nâng cấp kho dự trữ và bắt tay chặt chẽ với nông dân. Một khi các DN nước ngoài được tự do thu mua, nhiều khả năng họ sẽ nâng giá mua, việc thất thế trên sân nhà đối với DN trong nước là điều khó tránh khỏi. Theo lộ trình này, nông dân sẽ có lợi khi được quyền lựa chọn người mua nhưng các DN nhỏ, các cơ sở thu mua lúa gạo nhỏ rất dễ lọt vào tay các nhà kinh doanh gạo nước ngoài. Vì thực tế trong số hàng trăm DN Việt Nam tham gia thị trường XK gạo, chỉ có trên 30 DN XK lớn đủ sức cạnh tranh, còn lại hầu hết là các DN nhỏ lẻ, một năm chỉ xuất được vài container. Ngoài ra, các DN trong nước còn phải đối mặt với tình trạng khát vốn, thiếu vốn. Thiếu vốn sẽ dẫn đến mất thị trường, không có tiền đầu tư xây dựng kho dự trữ, thu mua lúa kịp thời cho nông dân… Một số DN tiếp cận được nguồn vốn thì phải chịu lãi suất khá cao. Nếu các DN nước ngoài vay được nguồn vốn với lãi suất chỉ 4,5%, thì DN trong nước phải vay với mức lãi 16,5%. Sự chênh lệch này đã gây bất lợi trong cạnh tranh với DN ngoại.
Kết thúc năm 2010, XK gạo Việt Nam cán đích 3 tỷ USD, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử XK gạo. Nhiều người kỳ vọng, XK gạo những năm tiếp theo sẽ đạt kết quả cao hơn thế, tuy nhiên, với những khó khăn trên, nếu các DN trong nước không chủ động liên kết với nông dân, Nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời thì con số 3 tỷ USD trong XK gạo khó có thể đứng vững và đi lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.