(HNM) - Là một trong 38 dự luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, Luật Biểu tình đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cho rằng biểu tình là một trong những quyền tự do của người dân, là câu chuyện bình thường trong xã hội văn minh, nhiều ý kiến đề nghị Luật Biểu tình cần sớm được ban hành để điều chỉnh những hoạt động từ thực tiễn…
Quyền biểu thị thái độ của người dân
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, từ lâu quyền biểu tình đã được đề cập trong Hiến pháp. Điều 25, Hiến pháp năm 1959 ghi rõ "Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình". Hiến pháp năm 1980, tại Điều 67 cũng có quy định "Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của CNXH và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân". Điều 69, Hiến pháp năm 1992 cũng quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Và tại Hiến pháp 1992 (được sửa đổi năm 2001) Điều 69 trên vẫn được giữ nguyên.
Như vậy, tại các bản Hiến pháp được ban hành từ khi lập nước đến nay, dù ở những mức độ khác nhau, song quyền biểu tình của người dân luôn được đề cập. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà lập pháp, hiện chúng ta mới chỉ có Nghị định 38 của Chính phủ ban hành năm 2005 Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng mà chưa có Luật Biểu tình nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Tại các dự thảo Luật Khiếu nại, tố cáo đang được QH cho ý kiến, cũng mới chỉ đề cập tới các hình thức khiếu nại, tố cáo tụ tập đông người mà chưa đề cập tới nội dung biểu tình.
Trước thực tế ngày càng xuất hiện nhiều hơn các cuộc "tụ tập đông người", đình công, tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII đang diễn ra, khi góp ý chương trình làm luật của QH khóa này, nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng ngay Luật Biểu tình vì đây là một đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. Theo đại biểu (ĐB) Trịnh Thế Khiết (Đoàn ĐBQH Hà Nội), việc hội họp, tụ tập thể hiện ý kiến về những vấn đề bức xúc, phản ánh cả mặt trái của xã hội là xu thế tất yếu sẽ phát triển nhanh trong tương lai. Vì vậy, thay vì đề nghị đưa vào chương trình dự kiến, cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình chính thức. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta không nên "né tránh" thực tế cuộc sống mà cần sớm ban hành Luật Biểu tình để người dân có thể thể hiện chính kiến của mình một cách đúng luật.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH - cơ quan thẩm tra đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng nhận định: Việc ban hành Luật Biểu tình là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình. Qua đó, Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.
Cần hiểu đúng khái niệm biểu tình
Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học do GS Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 1998 có ghi: Biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy. Song lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối. Ngay tại diễn đàn QH cũng có ý kiến cho rằng chưa nên ban hành Luật Biểu tình bởi như vậy sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội khi các đối tượng xấu lợi dụng biểu tình để gây rối. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người về việc họ hiểu thế nào về biểu tình và việc ban hành luật liệu có "vẽ đường cho hươu chạy"? Đa số ý kiến cho rằng biểu tình là một trong những quyền tự do của công dân. Biểu tình cũng không có nghĩa là chống đối. Bởi trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân ủng hộ thì họ xuống đường để bày tỏ quan điểm, thái độ. Ngược lại, có những vấn đề liên quan tới đời sống, người dân không đồng tình thì họ cũng được quyền biểu tình để phản đối. Việc sớm ban hành Luật Biểu tình sẽ giúp người dân thực hiện quyền bày tỏ thái độ của mình một cách chính đáng. Hơn nữa, luật sẽ quy định quyền, nghĩa vụ của người dân khi tham gia biểu tình, những vấn đề liên quan tới địa điểm, nội dung… cũng sẽ được thể chế hóa sẽ là điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hoạt động biểu tình đúng pháp luật.
Thực tiễn càng đa dạng, càng cần có pháp luật để điều chỉnh. Sự cần thiết phải ban hành Luật Biểu tình tại nước ta hiện nay sẽ góp phần thực hiện dân chủ trong kỷ cương và bảo đảm sự tôn nghiêm của luật pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.