(HNMO) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 với những quy định mới nhằm tạo điều kiện cho lao động phi chính thức(PCT) tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đủ nếu thiếu nỗ lực của chính quyền các cấp, ý thức của người sử dụng lao động và người lao động PCT...
Theo thống kê của BHXH Việt Nam thì sau gần bốn năm thực hiện BHXH tự nguyện (từ 01/01/2008), đến năm 2012, mới có trên 96.000 người lao động ở khu vực phi chính thức (PCT) tham gia BHXH tự nguyện, tương đương 0,19% tổng số lao động ở khu vực này. Trả lời câu hỏi tại sao người tham gia BHXH tự nguyện thấp, các chuyên gia lao động cho rằng nguyên nhân quan trọng là do một số chính sách, quy định pháp luật BHXH chưa phù hợp như số năm đóng góp tổi thiểu là 20 năm để hưởng lương hưu; hay sự chênh lệch giữa chế độ BHXH bắt buộc và tự nguyện nên đã không thu hút được số lao động chưa tham gia BHXH, đặc biệt là những người lao động khu vực PCT.
Ngoài ra còn do sự không bình đẳng về quyền lợi giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo quy định pháp luật thì người lao động khu vực PCT là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn (tử tuất và hưu trí), còn các chế độ BHXH ngắn hạn (thai sản, ốm đau và tai nạn lao động) là những quyền lợi thiết thực, cơ bản đối với mọi người lao động và nhất là phụ nữ họ lại chưa được hưởng. Chưa kể việc thực hiện quy định pháp luật, chính sách về BHXH còn nhiều bất cập, như chế tài xử lý vi phạm trong BHXH có mức phạt thấp nên nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động cố tình nợ đóng BHXH, quản lý quỹ BHXH chưa tốt vẫn còn tình trạng lạm dụng chính sách để trục lợi cá nhân, tất cả đều ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động muốn tham gia BHXH…
Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và đối với BHYT tự nguyện có hiệu lực từ 01/01/2018. Luật mới đã có những quy định tiến bộ về BHXH tự nguyện, tạo cơ hội cho lao động PCT, với thu nhập bấp bênh, nguy cơ rủi ro cao tham gia. Đó là mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và đặc biệt quy định về việc Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Ngoài ra Luật còn mở rộng thêm quyền của người đóng BHXH được tham gia vào cơ chế giám sát việc đóng BHXH và quản lý Quỹ BHXH. Cụ thể: cứ 6 tháng người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH sẽ được cung cấp thông tin về đóng BHXH. Định kỳ hằng năm người tham gia BHXH được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH và được quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH. Các quy định tính tiền lương, tiền công và điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng bảo hiểm trong cả quá trình đóng BHXH là bình đẳng như nhau đối với tất cả người tham gia BHXH không kể thuộc nhà nước hay ngoài nhà nước.
Chính sách an sinh xã hội (ASXH) của nhà nước nói chung là nhằm trợ giúp cho những người lao động yếu thế hoặc gặp rủi ro. Trong đó, lao động di cư là nhóm có nguy cơ tổn thương cao. Cụ thể đó là những người bán hàng rong và đồng nát thuộc đối tượng dễ mắc các bệnh do tác động ô nhiễm môi trường, do làm việc quá sức, bệnh dịch, các bệnh về đường tình dục rất cao. Và đó là những đối tượng cần được quan tâm về chính sách ASXH.
Kết quả khảo sát của Viện phát triển sức khỏe cộng đồng( LIGHT) thực hiện tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) trong thời gian từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2015 cho thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát rất lớn. Có tới 55,2% số lao động được hỏi cho rằng tư vấn dịch vụ và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là rất cần thiết; tiếp đó là tư vấn và mua BHYT tự nguyện (48,1%), và dịch vụ tư vấn pháp luật, chính sách (40,5%), thấp nhất là dịch vụ tư vấn, mua BHXH (25,5%).
Theo một cán bộ viện LIGHT, đối với người lao động di cư thì BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tỷ lệ người lao động di cư chưa có thẻ BHYT cao là nguy cơ ảnh hưởng xấu tới cả đời sống lẫn sức khỏe của người lao động khi họ gặp tai nạn, rủi ro.
Qua khảo sát về chính sách đối với lao động PCT ở một số địa bàn thuộc Hà Nội cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách ASXH về BHXH, BHYT. Trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho lao động PCT về ASXH, tăng cường cơ hội cho lao động di cư tiếp cận với ASXH. Cần phải có những chính sách “mở” để hỗ trợ cho những đối tượng này.
Muốn vậy phải có những khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di cư để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời về ASXH cho họ. Muốn thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, BHYT đến năm 2020 như đạt 50% người tham gia BHXH trong tổng lực lượng lao động, toàn dân tham gia BHYT toàn dân… rất cần những nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như sự hiểu rõ về ASXH của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.