(HNMO) - Ngày 24-10 vừa qua, tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đây là hai dự thảo luật quan trọng với những điểm mới, có tác động to lớn, toàn diện đến các hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường bộ sắp tới.
Giao đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an
Qua tờ trình về hai dự thảo luật nêu trên có thể thấy, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở tách một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Sau khi tách thành hai luật, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ quản lý nội dung về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Trong khi đó, Bộ Công an sẽ quản lý nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó đáng chú ý là thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang từ Bộ Giao thông - Vận tải chuyển về Bộ Công an.
Tại phiên họp thứ 48, khi thảo luận về hai dự thảo luật nêu trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ.
Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tại kỳ họp thứ mười về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng tách thành hai luật riêng biệt.
Phân tích rõ hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thực tế cho thấy, tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà cho nhân dân, đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Đáng chú ý, đối với nội dung thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giao nội dung này cho Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc giao cho một cơ quan quản lý mới sẽ phát sinh đầu tư mới về những nội dung như con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm…, trong khi những yếu tố này đã có và đang được Bộ Giao thông - Vận tải quản lý hoạt động ổn định.
“Về trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính”, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị.
Nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn
Cũng liên quan đến quy định cấp giấy phép lái xe, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định 11 hạng giấy phép lái xe so với 15 hạng như hiện nay, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định này thống nhất với Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, đồng thời tại điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực (khoản 3 Điều 71), trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới của luật này (khoản 2 Điều 71), nên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe.
Trong các hình thức cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, dự thảo luật đã đưa vào quy định cấp biển số xe thông qua đấu giá. Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, biển số sau đấu giá sẽ được xem như tài sản có thể gắn bó suốt đời và chủ sở hữu biển số đấu giá không nhất thiết phải sở hữu phương tiện. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định chỉ lực lượng cảnh sát giao thông mới được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông .
Đối với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị cân nhắc không nên quy định nội dung này nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn. Đồng thời, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cơ bản tán thành quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26% như dự thảo luật đã nêu.
Dự thảo luật cũng quy định các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô (như dịch vụ công nghệ do Grab, Be… cung cấp) là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; đồng thời quy định quy định người muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải thì phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng quy định chặt chẽ hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo và đăng ký màu sơn riêng để nhận diện…
Theo kế hoạch của Quốc hội, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ mười và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ mười một.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.