(HNM) - Tại Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) mới đây rộ lên tình trạng nông dân phá bỏ lúa để… "trồng" cột bê tông cho cây thanh long phát triển. Điều đáng nói là, không đợi kết thúc vụ lúa, nông dân mới chuyển đổi cây trồng mà ngay khi lúa sắp cho thu hoạch.
Nông dân làm vậy đơn giản chỉ bởi lợi nhuận cây thanh long đem lại cao hơn hẳn trồng lúa, quyết tâm càng cao hơn khi việc tiêu thụ lúa thời gian qua gặp khó khăn, giá thấp. Trước thực trạng nông dân phá lúa, trồng thanh long diễn ra nhức nhối, không theo quy hoạch phát triển nông nghiệp, chính quyền địa phương buộc phải áp dụng biện pháp xử phạt đối với những nông dân tự ý chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long. Không chỉ ở Bình Thuận, tại Tiền Giang, Long An cũng diễn ra tình trạng tương tự, nông dân tự ý phát triển cây thanh long ngoài vùng quy hoạch với hy vọng đổi đời, bất chấp rủi ro, nếu thanh long mất giá, quay lại trồng lúa gặp rất nhiều trở ngại. Phần lớn thanh long nước ta được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Thanh long vào những thị trường khó tính, giá cao và có tiềm năng phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật… rất ít. Thông tin đáng lo ngại là Trung Quốc cũng đã phát triển cây thanh long, khi diện tích thanh long ở Trung Quốc cho thu hoạch thì khả năng mất thị trường này, thậm chí bị cạnh tranh khốc liệt ở những thị trường khác là rất cao. Như vậy, nếu phát triển tùy tiện, bừa bãi diện tích thanh long, rủi ro mà nông dân phải gánh chịu là rất cao.
Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng phát triển cây trồng, vật nuôi tùy tiện, không theo quy hoạch trong ngành nông nghiệp. Những bài học đã từng xảy ra với cây cà phê, hồ tiêu, mía, hay trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản… để lại hậu quả đau xót cho nhiều địa phương vẫn hiển hiện trước mắt. Thật khó trách nông dân, bởi việc tìm, nuôi, trồng những loại cây, con cho thu nhập cao là nhu cầu chính đáng. Và trên thực tế, không ít nông dân mày mò, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã xây dựng thành công những mô hình, trang trại phát triển kinh tế rất đáng biểu dương. Thậm chí, nhiều mô hình như vậy đã trở thành "hạt nhân" để học tập, nhân rộng. Tuy nhiên, việc phát triển tùy tiện, quá mức lại là chuyện khác và thay vì hiệu quả có thể lại là hậu quả. Sau một thời gian phát triển đô thị, công nghiệp ồ ạt, lấy đi nhiều diện tích cấy lúa, chúng ta đã giật mình và cố gắng ổn định diện tích lúa là 3,8 triệu héc ta để bảo đảm sản lượng lương thực, trong bối cảnh dự báo tình hình lương thực trên thế giới còn nhiều khó khăn với tỷ lệ tăng dân số hiện tại. Đây là chủ trương đúng đắn, nhưng để cấy lúa đạt hiệu quả, đem lại đời sống khá cho nông dân như những ngành sản xuất khác là vấn đề đáng bàn. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu, quy hoạch tổ chức sản xuất hiệu quả, nhưng thực tế, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn kém xa so với các ngành sản xuất khác.
Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã chỉ rõ thu nhập của nông dân đang giảm. Rõ ràng, nếu chỉ thuyết phục nông dân giữ ổn định sản xuất bằng lý thuyết suông sẽ không ổn, nhất là khi công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn nhiều lúng túng. Bài toán đặt ra là các cơ quan chức năng cần có sự đầu tư thích đáng, tổ chức quy hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường ổn định, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp có lãi ở mức có thể chấp nhận, thay vì liên tục để người nông dân chấp nhận cảnh được mùa, mất giá hay bị thương lái ép giá. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng không ít địa phương vẫn đang lúng túng với vấn đề chính yếu là tìm hướng đi, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Khi các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, những "bộ chỉ huy chiến lược" còn lúng túng, thì nông dân còn luẩn quẩn trên tấc đất vàng cũng là điều dễ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.