Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luẩn quẩn quanh chuẩn đầu ra

Quỳnh Phạm| 08/12/2013 06:51

(HNM) - Trong một bản báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo.



Giờ thực hành trắc địa của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Vân Hà



Vấn nạn đào tạo lại

Sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc là phàn nàn chung của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Theo Sách Trắng năm 2014 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), tỷ lệ các công ty nước ngoài phải tiến hành đào tạo lại đối với nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Bà Connolly, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết: Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ và dồi dào nhưng các công ty nước ngoài và trong nước thường phải mất trung bình từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo lại từ đầu, về mọi phương diện, bao gồm cả kỹ năng mềm như hành vi ứng xử tại nơi làm việc.

Gần đây, khi bàn về vấn đề nói trên trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ sự bức xúc: "Hiện nay, không có ngành nghề nào học rồi mà khi ra làm việc không phải đào tạo lại. Trong các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước đều thế. Nhiều khi phải đào tạo từ điều nhỏ nhất, từ cách cầm và gọi điện thoại, xưng hô thế nào...".

Thực trạng nói trên còn được phản ánh trong các báo cáo điều tra, khảo sát của nhiều tổ chức và đơn vị tuyển dụng lao động. Kết quả nghiên cứu của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia cho thấy 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Một chuyên gia quản lý ngân hàng nhận xét về nhân lực của ngành mình: SV ra trường, đã được trang bị khá nhiều kiến thức nhưng khả năng thực hành rất hạn chế. Các em thiếu kỹ năng mềm nên không vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế, lại không có thói quen cập nhật kiến thức mới.

Có chuẩn, nhưng cần phải chỉnh

Những con số nói trên khiến người ta phải băn khoăn về chuẩn đầu ra mà các trường đã xây dựng, đã công bố công khai để xã hội giám sát. Độ xác thực của tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, tỷ lệ người có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo mà các trường đã công bố cũng cần được xem xét thêm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường vẫn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo và cách thức triển khai thực hiện. Các trường có nhiều ngành đào tạo khác nhau nhưng nhiều khi chuẩn đầu ra lại chung chung, không khác nhau là bao.

Về phía các trường, có lãnh đạo thừa nhận, việc công bố chuẩn đầu ra chỉ để "cho có", nhằm đáp ứng yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra. Một số trường nghiêm túc trong việc xây dựng chuẩn đầu ra nhưng vẫn chưa dám khẳng định tính chính xác trong cách đánh giá các tiêu chí. Hiệu trưởng ĐH Hàng hải, ông Đặng Văn Uy cho rằng, chuẩn đầu ra phải đáp ứng được 3 yếu tố là kiến thức, tay nghề và ngoại ngữ. Nhưng, thực tế hiện nay cho thấy mới chỉ có tiêu chí ngoại ngữ là có thể đánh giá được qua điểm TOEIC, hai tiêu chí còn lại hiện được đánh giá một cách mơ hồ.

Nhiều ý kiến cho rằng, chuẩn đầu ra hiện nay mới chỉ là chuẩn của chương trình đào tạo chứ chưa được xây dựng theo nhu cầu xã hội. Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ông Đặng Kim Vui lý giải: Việc xây dựng chuẩn đầu ra phải có lộ trình nhất định, muốn thực hiện được thì bản thân chương trình đào tạo phải thay đổi, bắt kịp đà tiến của khoa học kỹ thuật, mà điều này thì rất khó thực hiện.

Để tìm được tiếng nói chung giữa đào tạo và nhu cầu xã hội, lãnh đạo các trường yêu cầu Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp chặt chẽ với địa phương, các ngành và tổ chức quốc tế trong việc đưa ra dự báo, gửi thông tin kịp thời để các trường có hướng đào tạo phù hợp so với nhu cầu xã hội. Ông Christian Bodewig, trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo phát triển của Ngân hàng Thế giới đề xuất: Có một cách giải quyết vấn đề, đó là cải thiện hệ thống cung cấp thông tin giữa những nhà tuyển dụng, nhà trường và người lao động. Trên cơ sở đó, các trường sẽ phản ứng kịp thời trong công tác định hướng đào tạo. Ông C.Bodewig nhấn mạnh rằng, các trường ĐH phải được bảo đảm quyền tự chủ và có năng lực đưa ra quyết định. Các cơ sở được trao quyền tự chủ cao hơn thì thường ít gặp vấn đề trong việc khớp nối. Về vấn đề này, có một ví dụ tích cực ở Việt Nam là ĐH Đà Nẵng. "Họ đã được giao quyền tự chủ trong việc ra quyết định và đã xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp cùng tham gia, cho họ những lời khuyên về nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy. Họ cũng hợp tác với các trường ĐH, các cơ sở giáo dục ở nước ngoài để cùng giúp xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu mới, cũng như phù hợp với nguyện vọng của sinh viên. Như vậy, quyền tự chủ sẽ giúp cho các trường đại học có thể xây dựng được nội dung giảng dạy, chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của thị trường" - ông C.Bodewig nói.

Bàn kỹ hơn về chuẩn đầu ra gắn với thị trường, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý: Những ý kiến của doanh nghiệp được xem như chuẩn đầu ra của các trường ĐH, nhưng trường ĐH không thể chạy theo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường không thể trang bị máy móc hiện đại mà doanh nghiệp cần, không chỉ vì lý do kinh phí mà còn bởi máy móc lạc hậu rất nhanh. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, trường ĐH là nơi trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng căn bản để có thể thích ứng với môi trường làm việc một cách tốt nhất.

Rõ ràng là vấn nạn đào tạo lại không tự nhiên mà có, nó liên quan đến chuẩn đầu ra của các trường và mối liên hệ giữa nhiều phía liên quan, đặc biệt là giữa nhà trường và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luẩn quẩn quanh chuẩn đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.