LTS: Cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” là hoạt động chính thức trong Chương trình các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cuộc thi này được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và UBND TP Hà Nội chỉ đạo; do Báo Hànộimới khởi xướng, phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo TƯ, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Đây là cuộc thi có quy mô rộng rãi, mở rộng tới mọi cán bộ, đoàn viên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và nhân dân cả nước; người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu, tham gia hưởng ứng cuộc thi, Báo Hànộimới xin tiếp tục giới thiệu thể lệ và 12 câu hỏi trắc nghiệm của cuộc thi.
Câu hỏi 1: Trong bài “Chiếu dời đô”, Hoàng đế Lý Thái Tổ đã xác định những lợi thế nào của đất Thăng Long?
a. Là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.
b. Được thế rồng cuộn hổ ngồi.
c. Có núi cao sông dài.
d. Muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh.
Luận bàn câu 1:
Chắc chắn là Ban Tổ chức cuộc thi muốn kiểm tra kiến thức của mọi người về văn bản “Chiếu dời đô” của đức vua Lý Thái Tổ. Qua đây, nhắc cho mọi người biết những lợi thế của đất Thăng Long, được nhìn nhận qua lăng kính của chính nhân vật lịch sử đã khai sinh ra tòa kinh đô nước Đại Việt năm 1010.
Thế thì, cũng chắc chắn là ta phải tìm đọc lại văn bản gốc của “Chiếu dời đô”. Văn bản này được lưu trữ trong bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”(phần “Bản ký”, quyển 2, tờ 26). Bản dịch ra tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1988, in ở trang 241, tập 1.
Bức Chiếu dời đô tại Đền Đô |
Xem kỹ văn bản được cho là của vua Lý Thái Tổ này, ta thấy Người khai sinh Kinh đô Thăng Long nói đất này có rất nhiều lợi thế quan trọng. Nhưng Ban Tổ chức cuộc thi chỉ nêu ra 4 điều thôi:
a. Là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Luận điểm này có nguyên văn trong văn bản “Chiếu dời đô”.
b. Được thế rồng cuộn hổ ngồi. Bản dịch Việt ngữ của “Chiếu dời đô” cũng có câu này. Còn nguyên văn Hán ngữ thì đó là: “Long bàn Hổ cứ”. Đây là 4 chữ của thuật phong thủy, nói về một thế đất rất quý, là nơi ở của Rồng và Hổ (những vật tượng trưng cho sức mạnh và hiển vinh).
c. Có núi cao sông dài.Nguyên văn Hán ngữ của “Chiếu dời đô”, ở đoạn nói về sông và núi, chỉ viết là: “Tiện giang sơn hướng bội chi nghi”. Bản dịch Việt ngữ (H.1988) in thành câu rằng: “Tiện hình thế núi sông sau trước”. Nên dịch lại là: “Có vị thế thuận tiện nhìn ra sông, tựa vào núi”. Đây là nói về vị thế chiến lược (quân sự) rất lợi hại của Thăng Long. Không phải nói về “núi cao sông dài” của đất này. Ngờ rằng đây là “cái bẫy” của Ban Tổ chức cuộc thi.
d. Muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Câu này có trong nguyên bản “Chiếu dời đô”.
Câu hỏi 2: Tòa thành cổ nhất trên đất Thủ đô là tòa thành nào?
a. Thành Đại La.
b. Thành Cổ Loa.
c. Thành cổ Sơn Tây.
d. Thành cổ Hà Nội.
Luận bàn câu 2:
Đất Thủ đô là trung tâm (đầu não) hành chính – chính trị của quốc gia. Là một Thủ đô có lịch sử rất lâu đời, Hà Nội tất phải xây dựng rất nhiều thành cổ qua các đời, để thể hiện và làm căn cứ cho chức năng đứng đầu cả nước về mặt hành chính – chính trị. Từ năm 2008, Hà Nội được mở rộng, tích hợp vào đất Thủ đô nhiều miền đất cổ, vốn cũng đã sẵn có nhiều thành cổ được xây dựng ở đấy rồi, cho nên càng thêm nhiều di sản thành cổ.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức cuộc thi chỉ nêu ra 4 tòa thành cổ trong số rất nhiều di sản quí báu này của Thủ đô:
a. Thành Đại La. Đây là tòa thành được “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ nói đến, với tên gọi nguyên văn là: “Cao vương cố đô Đại La thành” (Thành Đại La – đô cũ của vua họ Cao). Nhân vật “Cao Vương” ở đây là Cao Biền – Kinh lược sứ của nhà Đường. Cao Biền được vua nhà Đường cử sang đất Việt đầu tiên là để chống giặc Nam Chiếu. Thành Đại La được xây dựng năm 866 để làm nhiệm vụ ấy.
b. Thành Cổ Loa. Tòa thành kỳ vĩ này, gọi thế vì còn vết tích ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ba chức năng quan trọng được thành Cổ Loa xưa thực hiện là: quân thành, thị thành, và đặc biệt là Kinh thành. Vì có đến 2 lần, Cổ Loa là kinh đô nước Việt. Lần thứ nhất, ngay khi khởi dựng vào thế kỷ III trước Công nguyên, Cổ Loa là kinh đô của triều đại An Dương Vương. Lần thứ hai, vào thế kỷ X, Cổ Loa là Kinh đô của Ngô Vương Quyền.
c. Thành cổ Sơn Tây. Đây là tòa thành mới được khôi phục ở thị xã Sơn Tây, sau gần 200 năm tồn tại như một trung tâm hành chính – chính trị, đặc biệt là quân sự, của cả Xứ Đoài ngày xưa. Bởi vì khởi dựng vào năm Minh Mệnh thứ ba (1822), thành cổ Sơn Tây xây bằng đá o theo kiểu Vô băng, đến nay vẫn còn dấu tích của 4 tòa dinh thự - công đường của cả 4 vị quan đầu tỉnh Sơn hồi thế kỷ XIX là: Tổng đốc (sau là Tuần phủ), Bố chánh (Án sát), Đề đốc và Đốc học.
d. Thành cổ Hà Nội. Đây là thuật ngữ có tính quy ước, để gọi công trình kiến trúc quân sự, xây đồ lên khu vực Hoàng thành Thăng Long đời Lê, nhưng hơi co lại một chút, do vua Gia Long (đầu thời Nguyễn và đầu thế kỷ 19) cho tạo dựng để làm thủ phủ của Bắc Thành (lúc này chưa có tỉnh Hà Nội, càng chưa có Thành phố Hà Nội). Thành cổ Hà Nội hoàn công xây đắp vào năm 1805.
Câu hỏi 3: Ngôi “Làng hai Vua” ở phía Tây Thủ đô - là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Quyền, tên là gì?
a. Nhị Khê.
b. Thủ Lệ.
c. Hạ Lôi.
d. Đường Lâm.
Luận bàn câu 3:
Thủ đô Hà Nội, nhất là từ khi được mở rộng, rất vẻ vang vì có được rất nhiều ngôi làng nghề nổi tiếng, là quê hương của nhiều danh nhân, là chiếc nôi sinh thành của nhiều sự tích diệu kỳ. Trong số này, Ban Tổ chức nêu ra 4 ngôi làng cổ:
a. Làng Nhị Khê. Thuộc huyện Thường Tín phía Nam Thủ đô Hà Nội. Đây là một làng nghề cổ nổi tiếng: nghề tiện. Phố Tố Tịch (thuộc quận Hoàn Kiếm) xưa còn gọi là “Hàng Rũi Tiện”do bởi dân làng nghề tiện Nhị Khê ra đây hành nghề, mở phố. Gần ngay phố này là phố Lương Văn Can. Đây là tên của một danh nhân Nhị Khê, có ngôi nhà được chuyển dùng làm trường “Đông Kinh nghĩa thục” nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Nhưng Nhị Khê được biết đến hơn cả với tư cách là quê hương của Anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngôi đền chính thờ Nguyễn Trãi luôn thơm ngát khói hương sùng mộ, cũng được gọi bằng tên: đền Nhị Khê.
b. Làng Thủ Lệ. Làng ở điểm chính Tây và cực Tây Kinh thành Thăng Long xưa. Lúc đầu có tên là làng Thị Trại. Là quê hương của mẹ một vị hoàng tử triều Lý có công đánh giặc Tống, tên là Linh Lang. Khi hoàng tử hóa rồng (rắn) trườn xuống Hồ Tây mà mất, vua Lý thương tiếc, cho lập đền thờ ở ngay qủa gò cạnh làng và cho đổi tên thành làng Thủ Lệ (giữ lệ mà thờ phụng). Ngôi đền thiêng của làng Thủ Lệ (còn gọi là đền Voi Phục vì có đắp nổi hình con voi quì ở cổng đền) trở thành “Tây trấn linh từ” một trong “Thăng Long tứ trấn”.
c. Làng Hạ Lôi. Làng ở huyện Mê Linh. Tên huyện cũng là tên của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng oanh liệt. Vì ngôi đền thiêng của làng Hạ Lôi, là một trong ba nơi thờ chính Hai Bà Trưng của cả nước (là đền Đồng Nhân, đền Hát Môn và đền Hạ Lôi). Nơi đây tương truyền cũng là trung tâm của “Kinh đô” nước Việt thời Hai Bà Trưng giành được 3 năm độc lập: “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Cổng làng cổ Đường Lâm |
d. Làng Đường Lâm. Thuộc thị xã Sơn Tây. Đây là ngôi làng Việt cổ nổi tiếng, giá trị như đô thị cổ Hội An. Cùng với đặc điểm kiến trúc những ngôi nhà nông thôn dùng nguyên vật liệu là đá ong làm tường, Đường Lâm còn sở hữu nhiều kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng nổi tiếng: chùa Mía, đình Mông Phụ, nhà thờ sứ thần Giang Văn Minh…Đặc biệt có di tích đền thờ, lăng mộ của Anh hùng dân tộc – Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, và Anh hùng dân tộc – Ngô Vương Quyền cùng cả những chứng tích huyền kỳ về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị Anh hùng dân tộc này (như: nơi đánh cọp, chỗ buộc voi, trường luyện võ…)
Câu 4: Năm 1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ đã cho xây Tòa chính điện Càn Nguyên của Kinh đô Thăng Long ở trên cao điểm nào?
a. Núi Cung.
b. Núi Nùng.
c. Núi Khán.
d. Núi Sưa.
Luận bàn câu 4:
Kinh thành Thăng Long xưa có nhiều cao điểm, nổi lên trên địa bàn nhiều sông nước, ao hồ của một “Đô thị sông hồ”. Phần lớn cao điểm có nguồn gốc là những doi đất cổ ven sông được làm “thiêng hóa” bằng những huyền thoại và truyền thuyết. Đồng thời được làm thăng hoa bằng những kiến trúc cung đình và tôn giáo tín ngưỡng. Chính điện Càn Nguyên khởi dựng ngay vào năm đầu định đô Thăng Long, là một kiến trúc quan trọng hàng đầu trong số đó. Nó làm vẻ vang cho cao điểm được chọn để xây dựng chính điện. Còn cao điểm được chọn làm nền xây dựng chính điện, thì cũng đem vị thế của mình mà làm oai cho kiến trúc cung đình ở bên trên nó.
a. Núi Cung
Cứ như tên gọi này của núi, thì hẳn đã phải có một cung điện được xây dựng ở đây. Khảo sát gò đất được gọi bằng tên “Núi Cung” đang ở giữa hai phường Đội Cấn và Ngọc Hà (quận Ba Đình), thấy còn có nhiều di tích và vật liệu kiến trúc cổ. Nhưng chủ yếu là những viên gạch mang đặc trưng của gạch thời Lê. Mà chính điện Càn Nguyên thì lại là công trình của thời Lý.
b. Núi Nùng
Rất nhiều người nhầm khi gọi quả gò đất đang thấy ở trong vườn Bách Thảo bằng tên này. Nhưng thực sự núi Nùng không bao giờ ở trong vườn Bách Thảo, mà luôn ở chính tâm tòa “Thành cổ Hà Nội”, cũng như là ở chính tâm Hoàng thành (thực ra là Cấm thành) Thăng Long. Hiện đang còn 4 con rồng đá (tạc năm 1467) trườn từ tòa chính điện Kính Thiên của triều Lê, khởi dựng từ năm 1428 trên đỉnh núi. Tòa chính điện này là hậu thân của tòa chính điện Thiên An (khởi dựng năm 1029). Và đến lượt mình, Thiên An là hậu thân của tòa chính điện Càn Nguyên (khởi dựng năm 1010).
c. Núi Khán
Ngọn núi này, nay không còn nữa. Nhưng trên bản đồ cổ, thì thấy ngọn núi có ghi 2 chữ chú thích “Khán Sơn” này, được vẽ ở vị trí góc Tây Bắc “Thành cổ Hà Nội” (phía trước cổng Phủ Chủ tịch bây giờ). Lại căn cứ vào tên gọi của núi thì biết chắc rằng ngày xưa trên núi có xây khán đài, để nhà vua xem (duyệt) quân. Và vị vua đó là: Lê Thánh Tông
d. Núi Sưa
Tên núi (sơn danh) cũng là tên một loài cây (mộc danh). Đó là cây Sưa – cho gỗ quý, dùng được vào nhiều việc. (Bọn “Sưa tặc” gần đây hay vào giữa phố phường Hà Nội, cưa trộm những cây này đem bán, là vì thế). Quả núi xưa kia trồng nhiều cây Sưa này, bây giờ đang ở trong vườn Bách Thảo (và hay bị nhầm thành núi Nùng). Trên núi có đền thờ “Huyền Thiên Hắc Đế” (gốc là một trẻ nhỏ trong làng trèo cây ngã chết vào giờ thiêng nên hóa thành thần).
Câu hỏi 5: Những công trình nào trong “Tứ đại khí” nước Đại Việt thời Lý - Trần đã được tạo tác ở Thăng Long?
a. Tháp Báo Thiên.
b. Chuông Quy Điền.
c. Tượng Quỳnh Lâm.
d. Vạc Phổ Minh.
Luận bàn câu 5:
“Tứ đại khí” là cách gọi tắt của “An nam tứ đại khí” (Bốn vật khổng lồ của nước “An Nam”) – theo cách gọi của người phương Bắc. Bốn vật khổng lồ của nước Đại Việt thời Lý Trần (khiến người phương Bắc cũng phải ca ngợi) này được tạo tác theo tinh thần và khí thế rồng bay lên - Thăng Long (Lý) và “hào khí Đông A” (Trần).
Ban tổ chức cuộc thi đã kể ra chính xác bốn vật khổng lồ đó:
a. Tháp Báo Thiên. Đây là ngọn Tháp có tên là “Đại Thắng Tư Thiên” nhưng vì là Tháp của chùa “Sùng Khánh Báo Thiên” nên được quen gọi theo tên chùa là “Tháp Báo Thiên”. Vua Lý Thánh Tông là người cho xây dựng Tháp vào năm 1057. Tài liệu cũ cho biết tháp có nhiều tầng, cao vài chục trượng (60-80m) và được xem như cây “Kình Thiên Trụ” (cột chống trời) của Kinh đô Thăng Long. Tháp nay không còn nữa, khu Nhà thờ lớn Hà Nội xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đang chồng lên nền cũ của Tháp Báo Thiên.
b. Chuông Quy Điền. Dịch nôm ra thì đây có nghĩa là “Chuông Ruộng Rùa”. Nguyên thủy của cái tên gọi kỳ lạ này là như sau:
Vào mùa xuân năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho đúc một quả chuông thật to để treo tại chùa Diên Hựu (tức Chùa Một Cột - như bây giờ đang gọi) – do ông nội Lý Thái Tông xây dựng năm 1049- ngoài cửa Tây Cấm Thành Thăng Long. Chuông to đến nỗi phải xây một cái gác chuông cao 8 trượng (20-25m) để treo. Nhưng khi đánh thử, chuông lại không kêu. Thế là đành phải trục vần chuông ra để ở thửa ruộng cạnh chùa. Ruộng này ngập nước khiến loài rùa đến làm tổ, ở rất đông. Do đó, cả ruộng lẫn chuông đều có tên là “Quy Điền”.
c. Tượng Quỳnh Lâm. Đó là bức tượng Phật Di Lặc đặt ở chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều-Quảng Ninh) – một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn thời Lý Trần. Sách “Tam tổ thực lục” chép: đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa là người đúc pho tượng này vào năm 1327 đời Trần. Nhưng nhiều tài liệu khác nói rằng sư Nguyễn Minh Không (1066-1141) mới chính là người đúc pho tượng này vào thời Lý. Tượng cao đến nỗi từ cách xa chùa Quỳnh Lâm hàng chục dặm vẫn thấy đầu tượng nhô cao vượt lên trên rặng cây cổ thụ mọc quanh chùa.
d. Vạc Phổ Minh. Đây là chiếc vạc tượng trưng cho sức mạnh và sự bền vững của Vương triều – đặt ở chùa Phổ Minh, trong khu hành cung Thiên Trường (Tức Mặc – Nam Định) của triều Trần. Vạc to đến nỗi – theo truyền ngôn – có thể bỏ nguyên một con trâu mộng vào luộc, còn trẻ con thì chạy chơi quanh và trên thành vạc thoải mái!
Câu hỏi 6: Trong khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, di sản nào là của thời Lê?
a. Khuê Văn Các.
b. Đại Bái Đường.
c. Nhà Thái Học.
d. Bia Tiến Sỹ.
Luận bàn câu 6:
Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là di sản văn hóa hàng đầu và là niềm tự hào lớn lao của đất và người Kinh kỳ - Thủ đô, cũng như là của cả nước Việt ta.Những hạng mục làm nên di sản văn hóa quý giá này rất nhiều và là sản phẩm trí tuệ, tình cảm, công sức của nhiều đời góp lại. Ban Tổ chức cuộc thi kể ra bốn công trình:
a. Khuê Văn Các. Công trình kiến trúc đẹp và giàu ý nghĩa này đang có hình ảnh cách điệu được dùng làm biểu tưởng cho Thành phố Hà Nội. Tán ra ý nghĩa của “Khuê Văn Các” thì đó là “Gác vẻ đẹp của sao Khuê – chủ về văn học”. Đồng điệu và hài hòa với tổng thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, nhưng kiến trúc này lại chỉ mới được đặt (xây dựng) vào đây hồi đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX)
b. Đại Bái Đường. Công trình kiến trúc hoành tráng này là kiến trúc chính yếu của toàn khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội – gồm hai lớp nhà chạy ngang hình chữ “Nhị”, phía trước là tòa nhà Tiền Bái, phía sau là Hậu Cung. (Cũng có ý kiến cho rằng chỉ tòa Tiền Bái mới chính là Đại Bái Đường). Đây là công trình tích hợp nhiều yếu tố kiến trúc, nghệ thuật, di vật…từ thời Lê – Trịnh (thậm chí từ thời Mạc) đến thời Nguyễn, với cả những dấu ấn của sự sửa chữa, tôn tạo trong thời hiện đại.
c. Nhà Thái học. Đây là kiến trúc phỏng cổ, mới được xây dựng trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, đã nhận được giải thưởng kiến trúc. Nhưng vị trí xây dựng “Nhà Thái học” này thì chính là khu vực có điện Khải Thánh (thờ cha mẹ Khổng Tử) từ thời Nguyễn. Còn trước đấy thì nơi này chính là Quốc Tử Giám qua các đời từ Lý Trần đến Lê -Trịnh.
d. Bia Tiến sĩ. Đây là di sản nhiều giá trị nhất của toàn khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội và vừa được UNESCO công nhận là Di sản ký ức nhân loại. Tất cả tới nay còn lại được là 82 tấm bia đá đặt trên lưng rùa để “tiến sĩ đề danh” những người đỗ đạt đại khoa bắt đầu từ khoa thi tiến sĩ năm 1442 đến khoa thi tiến sĩ năm 1779. Như thế tuyệt đại đa số bia tiến sĩ là thuộc thời Lê, chỉ có 1 bia là nói về khoa thi năm 1529 (thuộc thời Mạc) mà thôi.
Câu hỏi 7: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có những giá trị nổi bật toàn cầu nào?
a. Có tầng văn hóa khảo cổ học dầy và rộng nhất.
b. Là nơi diễn ra sự giao thoa văn hóa của phương Đông và thế giới.
c. Là trung tâm chính trị, văn hóa, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài.
d. Liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng và các giá trị biểu đạt văn hóa nghệ thuật của quá trình hình thành và phát triển quốc gia độc lập gần một thiên niên kỷ.
Luận bàn câu 7:
Từ cuối năm 2002, việc phát lộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở trung tâm “Thành cổ Hà Nội” (thuộc quận Ba Đình) đã gây chấn động lớn, với ý nghĩa khoa học là: đã tìm thấy hệ thống chứng tích vật thể đích xác cho diễn trình lịch sử hơn nghìn năm tại chính huyệt đạo của Kinh kỳ - Thủ đô nước Việt, và với ý nghĩa tâm linh là: tổ tiên đang hiện về cùng con cháu đúng vào dịp kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi.
Tầng văn hóa khảo cổ học ở đây dầy tới 3-4m, và có thể phân bố rộng đến hàng trăm hecta dưới lòng đất. Đó là một di sản vô cùng quí giá, nhưng có thể chưa phải là tầng văn hóa khảo cổ học dầy và rộng nhất, so với nhiều khu di tích khảo cổ học khác.
Tuy nhiên, dựa vào 6 tiêu chí đánh số từ I đến VI mà tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc nêu ra, như là điều kiện để có thể được công nhận là di sản văn hóa (vật thể) của nhân loại, thì khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – theo hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO - đáp ứng được các tiêu chí sau đây :
- Tiêu chí II: Là nơi diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hóa của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch Đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng.
- Tiêu chí III: Là trung tâm chính trị văn hóa, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài, từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.
- Tiêu chí VI: Có liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng và các giá trị biểu đạt văn hóa, nghệ thuật, của một quá trình hình thành và phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ.
Câu hỏi 8: Ngày 10 - 10 - 1954, đại quân ta đã tiến vào giải phóng Thủ đô qua những cửa ô nào?
a. Ô Quan Chưởng.
b. Ô Cầu Giấy.
c. Ô Cầu Dền.
d. Ô Chợ Dừa.
Luận bàn câu 8:
Các cửa ô là di sản văn hóa, kinh tế-xã hội đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội. Cho đến giữa thế kỉ 20, vẫn còn di tích của hơn 10 cửa ô. Nhưng nhạc sĩ Văn Cao trong ca khúc nổi tiếng “Tiến về Hà Nội” nói: chỉ có “5 cửa ô đón mừng khi đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô mà thôi. Còn Ban tổ chức cuộc thi lại kể tên 4 cửa ô là :
a.Ô Quan Chưởng. Tên gọi chính thức của ô này là “ Đông Hà Môn”. Tên gọi đã nói rõ vị trí của ô là nằm ở phía Đông của “Thành cổ Hà Nội” trông ra sông Hồng . Ngày 10-10-1954 không có cánh quân nào của bộ đội ta tiến vào giải phóng Thủ đô theo hướng Đông cả.
b.Ô Cầu Giấy. Còn có 1 tên gọi khác nữa là ô Thanh Bảo. Nay ở quãng bến xe ô tô Kim Mã (chỗ phố Sơn Tây nối với phố Nguyễn Thái Học) chứ không phải ở chỗ cây Cầu Giấy bây giờ. Cánh quân tiến vào giải phóng thủ đô của ta từ hướng Tây ngày 10-10-1954 xuất phát từ địa điểm tập kết “Quần Ngựa” (nay là sân vận động Quần Ngựa) diễu binh qua Kim Mã , Hàng Đẫy (là tên cũ của phố Nguyễn Thái Học). Cửa Nam….. vào trung tâm thành phố.
c.Ô Cầu Dền. Vị trí cửa ô này nay ở chỗ phố Huế nối với phố Bạch Mai. Ngày 10-10-1954 cánh quân phía Nam (bộ binh) tiến vào giải phóng thủ đô của ta xuất phát từ địa điểm tập kết “Việt Nam học xá” (nay là Phường Bách Khoa) tiến qua Bạch Mai, sang phố Huế, qua Hồ Gươm, vòng lại quản khu “ Đồn Thủy” (các bệnh viện 108 và “Hữu Nghị”), khu Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu Nghị) bây giờ.
d.Ô chợ Dừa. Còn có tên là “Ô Cầu Dừa” hay là “Ô Thịnh Hào”. Vị trí của cửa ô này, nay ở chỗ giao nhau của các đường phố Tôn Đức Thắng, Nguyên Lương Bằng, Khâm Thiên, La Thành trông ra chỗ mới phát hiện “ Đàn Xã Tắc”. Đây chỉ là chỗ mà cánh quân của đô đốc Long, trong chiến dịch giải phóng Thăng Long vào mùa Xuân năm 1789, sau khi hạ đồn Đống Đa của quân Thanh, đã tiến qua để kích bật đại quân của bại tướng Tôn Sĩ Nghị ra khỏi kinh đô nước Việt.
Câu hỏi 9: Năm 1966, từ địa điểm nào của Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã phát biểu lời khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”?
a. Phủ Chủ tịch.
b. Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (trước Nhà hát lớn).
c. Quảng trường 1 tháng 5 (trước Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội).
d. Quảng trường Ba Đình.
Luận bàn câu 9:
Quảng trường Ba Đình. Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quảng trường 1-5. Là nơi diễn ra cuộc biểu tình lịch sử ngày 1-5-1938, làm rung động chế độ nô dịch của thực dân đô hộ Pháp.
Quảng trường Cách mạng tháng 8. Là nơi diễn ra các sự kiện trung tâm của Cách mạng tháng 8 năm 1945. Cũng là nơi mà ngày 17-7-1966 tuổi trẻ Thủ đô được Thành đoàn Hà Nội - nhận Chỉ thị của Thành ủy - tổ chức cuộc mít tinh lớn hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân sắp tới ngày 20-7(ngày đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, thống nhất đất nước). Cuộc mít tinh bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng, nhưng từ 6 giờ sáng thì Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã cho phát sóng lời kêu gọi của Bác, trong đó có câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, thể hiện quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn thể dân tộc, và khẳng định chân lý lịch sử của nhân loại tiến bộ.
Bác Hồ đã soạn bài nói có câu tuyên ngôn lịch sử này ở Khu nhà sàn trong Phủ Chủ tịch từ trước. Văn bản được gửi cho một số đồng chí lãnh đạo đọc và góp ý kiến. Sau đó, Bác cho thu thanh lời đọc của mình ở một buồng nhỏ trong tòa nhà chính của Phủ Chủ tịch. Băng ghi âm lời phát biểu của Bác sau đó được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, để cuộc mít tinh ngày 17-7-1966 của tuổi trẻ Thủ đô tại quảng trường trước Nhà Hát Lớn (sau này mang tên “Quảng trường Cách Mạng tháng Tám”) hưởng ứng.
Câu hỏi 10: Trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ vào Thủ đô, đã diễn ra vào năm nào?
a. Năm 1968.
b. Năm 1972.
c. Năm 1973.
d. Năm 1975.
Luận bàn câu 10:
Một trận “Điện Biên Phủ trên không” là cách nói rất hay về sự kiện quân dân Thủ đô góp phần chủ yếu vào trận đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng đường không-sử dụng những loại máy bay tối tân lợi hại nhất của Mỹ - ném bom hủy diệt Hà Nội và các thành phố khác ở miền Bắc, hòng “gây sức ép buộc Hà Nội phải trở lại bàn đàm phán tại hội nghị Paris” chịu khuất phục trước thế lực và cuộc chiến tranh phản động của Mỹ như lời tuyên bố của kẻ xâm lược.
Bằng một chiến dịch kéo dài 12 ngày đêm, quân dân Thủ đô cùng với quân dân toàn miền Bắc đã đập tan cả sức mạnh lẫn ý chí xâm lược của kẻ địch, lập thành tích lớn lao bắn rơi 23 máy bay B52, 2 chiếc F111 và nhiều máy bay phản lực khác, trong tổng số 81 máy bay (có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111) của địch bị hạ. Trận đánh này xứng đáng so sánh với kết quả của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp (1946-1954).
Ngôn ngữ thế giới đồng thuận với tiếng nói Việt Nam, trong khi gọi những chiến công vĩ đại trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước do nhân dân ta lập được vào mùa xuân năm 1968 là “chiến dịch Tết” (Mậu Thân), gọi những chiến công lập được vào năm 1973 là “ phá sản cuộc Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ”, lập được vào năm 1975 là “Đại thắng mùa Xuân”, thì cũng đã chính xác và ấn tượng mà mệnh danh cho chiến công vĩ đại của quân dân ta lập được vào năm 1972 – chủ yếu trên bầu trời Hà Nội - là trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Câu hỏi 11: Cùng với biểu tượng này (kèm ảnh biểu tượng “Người nắm tay nhảy múa”), vào năm 1999, vì đã có thành tích là thành phố tiêu biểu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về quản lý đô thị, bình đẳng cộng đồng, gìn giữ môi trường, thúc đẩy văn hóa giáo dục, đặc biệt là chăm lo cho công dân và thế hệ trẻ, Hà Nội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu nào?
a. Thành phố của những giá trị nhân loại.
b. Thành phố Xanh - Sạch - Đẹp.
c. Thành phố Vì hòa bình.
d. Thành phố Di sản văn hóa thế giới.
Luận bàn câu 11:
Xứng đáng với truyền thống “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng”, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý. Từ xa xưa đã có câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Vào thời Hà Nội cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều người nước ngoài đã “Ước mơ một sáng trở dậy thấy mình là người Hà Nội”, và gọi Hà Nội là “Thủ đô của lương tri loài người”…
a. Thành phố của những giá trị nhân loại. Danh hiệu này có phổ rộng và tầm cao hơn nhiều so với danh hiệu một thời Hà Nội và Việt Nam “Vì ba ngàn triệu người trên đời” mà kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể đây là ước vọng cho một tương lai tốt đẹp chăng?
b. Thành phố xanh-sạch-đẹp. Danh hiệu này dường như sẽ thuộc về một đô thị đã hoàn thiện và được sự đồng thuận rộng rãi của dư luận về thành tích tuyệt đối trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
c. Thành phố vì hòa bình. Danh hiệu này chỉ cần tổ chức UNESCO thấy đô thị nào tiêu biểu ở một khu vực, về mấy phương diện: Quản lý đô thị, bình đẳng cộng đồng, giữ gìn môi trường, thúc đẩy văn hóa giáo dục, chăm lo cho công dân và thế hệ trẻ, là được.
d. Thành phố Di sản văn hóa thế giới. Thủ đô Hà Nội chỉ mới hoàn thành và gửi hồ sơ khoa học tới tổ chức UNESCO để xem xét công nhận Di sản văn hóa thế giới cho khu di tích Hoàng thành Thăng Long mà thôi.
Câu hỏi 12: Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vào dịp nào?
a. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
b. Kỷ niệm 30 năm trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
c. Kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô.
d. Kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội.
Luận bàn câu 12:
Giữa những danh hiệu cao quý, phản ánh một cách đặc sắc các truyền thống của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm, thì “Thủ đô anh hùng” là danh hiệu có một không hai mà chỉ riêng Hà Nội được nhận. Một lễ trao danh hiệu trọng thể đã được tổ chức trọng thể vào một thời điểm có nhiều ý nghĩa lịch sử.
Những thời điểm nhiều ý nghĩa lịch sử như thế, Hà Nội luôn có.
a. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là năm 2000, kết thúc cả Thiên niên kỷ II, mở ra Thiên niên kỷ thứ III. Đúng vào năm này, Thăng Long – Hà Nội, tròn 990 tuổi, chính là dịp diễn tập để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sẽ được tiến hành 10 năm sau đấy. Nhân dịp này, nhiều danh hiệu cao quý đã được trao tặng cho Thủ đô, trong đó có danh hiệu mà lời tuyên dương kèm theo đã nói rõ, là: “Kết quả của tinh thần lao động, chiến đấu, sáng tạo được kết tinh từ bao đời nay” và : “Gắn với những thắng lợi trong cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc” của Hà Nội.
b. Kỷ niệm 30 năm trận Hà Nội- “Điện Biên Phủ trên không”. Đó là năm 2002. Suốt cả năm này, đặc biệt là trong tháng Chạp, đúng 30 năm sau trận Hà Nội cùng cả nước đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, đã có rất nhiều hoạt động quan trọng, nhưng chủ yếu là nhằm nghiên cứu, biểu dương chiến thắng lớn lao này.
c. Kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô. Đó là vào năm 2004. Nửa thế kỷ sau giải phóng, đây là lúc chính yếu để xem xét và biểu dương những phương diện, thành tựu đã đạt được, để chuẩn bị những việc làm cho bước phát triển tiếp theo của Thủ đô.
d. Kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là năm 2005. Lúc này, những hoạt động trên hướng nói về phẩm chất anh hùng đặc trưng của Thủ đô, đều chủ yếu nhằm vào sự khẳng định, biểu dương và làm rõ các vẻ đẹp, tầm quan trọng của danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng” mà Hà Nội đã vinh dự được nhận rồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.