(HNM) - Hiếm có năm nào lại có nhiều sự kiện và đem lại nhiều cảm xúc đối với đồng bào trên cả nước như năm 2010. Từ đại hội Đảng các cấp bừng bừng khí thế đến rộn ràng, lung linh mừng Đại lễ và những diễn biến sôi động, thậm chí đầy kịch tính của kinh tế đất nước…
Cầu Thanh Trì. Ảnh: Anh Tôn
Khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 vẫn là mối lo ngại lớn khi cả nước bước vào năm 2010. Những tháng đầu năm, nền kinh tế còn rất “mong manh”: tháng 2, xuất khẩu cả nước chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi nhập siêu đã ngót 20%, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng gần 2% so với tháng trước… Ở thời điểm này, Hà Nội là địa phương có lẽ “lo” nhất vì chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ tăng 2,61%. Tuy nhiên, từ cuối quý I trở đi, cứ mỗi tháng qua đi, tình hình kinh tế mỗi lúc lại sáng hơn để đến trước tháng 10, Hà Nội tự tin khẳng định “Kinh tế phục hồi, tăng trưởng tốt là một trong những món quà ý nghĩa nhất dâng tặng Đại lễ”. Kết thúc năm 2010, GDP TP tăng 11% so với năm 2009, góp phần quan trọng giúp GDP cả nước tăng 6,78%, cao hơn dự kiến (6,7%). Có thể nói, Hà Nội là tấm gương phản chiếu điển hình nhất về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước.
Kết quả kinh tế ấn tượng của năm 2010 là cơ sở để Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2011 từ 7-7,5%, còn Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội xác định chỉ tiêu GDP năm 2011 là tăng 12% cho TP. Có thể nói, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sức vươn lên mạnh mẽ ngay từ trong những thời khắc tưởng chừng khó khăn nhất. “Việt Nam là một trong những nền kinh tế đã chứng tỏ được khả năng đứng vững trước suy thoái kinh tế toàn cầu” - ông Eugene Gherman, chuyên gia kinh tế Ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) nhận định. Còn theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc, các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng đã đồng thuận cùng nhau tin tưởng triển vọng phát triển kinh tế năm 2011 sau khi đã chứng kiến kết quả kinh tế năm 2010 ấn tượng của chúng ta.
Niềm tin và hy vọng
Ảnh: Nguyệt Ánh
Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội XI của Đảng sẽ diễn ra. Tất cả vẫn còn đang ở phía trước, nhưng niềm tin và hy vọng vào thành công của Đại hội, vào những quyết sách đúng đắn về con người, về định hướng tương lai của Đảng luôn tràn đầy. Bởi năm 2010, Đảng CSVN kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai sự kiện trọng đại này nhắc nhở chúng ta rằng, trong suốt 80 năm lịch sử vẻ vang, Đảng ta luôn luôn tìm ra con đường để đưa đất nước đến chiến thắng, đến vinh quang, ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thêm nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc thời đại luôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho con đường đó.
Năm 2011 đã mở ra trước mắt chúng ta với những khó khăn, thách thức chưa dứt về kinh tế - xã hội. Dù lạc quan, nhưng triển vọng kinh tế thế giới hiện nay đòi hỏi sự thận trọng. Tuy nhiên, từ Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương, tinh thần lạc quan vẫn bao trùm. “Tăng trưởng 7% năm 2011 rất khó khăn, nhưng chúng ta có thể làm được, thậm chí tăng trưởng cao hơn” - Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc bộc bạch khi phân tích nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2011. Trong khi đó, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tự tin cho rằng: “Có những hoài nghi về tính khả thi của mức tăng trưởng 12% năm 2011. Nhưng tăng trưởng 12% là khả thi. Bởi xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới, kinh tế đất nước và bởi vì năm 2010 khó khăn như thế, TP vẫn đạt được tăng trưởng 11%”. Năm 2011, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, nên có những áp lực nhất định. Tuy nhiên, với đà kinh tế hiện nay, thành công là điều có thể dự đoán trước bởi vì khoảng cách giữa các chỉ tiêu của Hà Nội hay của cả nước với kết quả năm 2010 là rất nhỏ, trong khi điều kiện phát triển của năm 2011 chắc chắn sẽ được cải thiện.
Năm 2011, cả nước phấn đấu tổng sản phẩm trong nước tăng 7-7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tạo đà phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với mô hình tăng trưởng năng động và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế… Anh Minh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.