(HNM) - Phát triển đô thị bền vững gắn với hình thành mạng lưới giao thông công cộng, đồng thời áp dụng các loại hình giao thông hiện đại, văn minh nhằm từng bước chống ùn tắc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức thiết đặt ra với hầu như tất cả các thành phố lớn trên thế giới và Hà Nội không phải là ngoại lệ.
Ngày 10-7, tại Hội nghị thượng đỉnh các thành phố lớn lần thứ 7 diễn ra ở Singapore với sự tham gia của hơn 110 nhà lãnh đạo và thị trưởng trên toàn cầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đặt ra vấn đề về quy hoạch và xây dựng thành phố thông minh trong tương lai, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp… Hà Nội coi đây là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài để giải quyết các thách thức đô thị, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Việc hình thành các đầu mối giao thông phải được ưu tiên phát triển đồng bộ với các công trình kỹ thuật hạ tầng khác để tạo nên một kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Có thể thấy, ngoài việc dành quỹ đất cho giao thông đô thị (bao gồm cả giao thông tĩnh) thì việc hình thành các tuyến giao thông công cộng, trục đường hướng tâm, đường vành đai, trục chính đô thị, nút giao cắt lập thể là hết sức cần thiết. Ở mỗi tuyến như vậy sẽ hình thành các hệ thống vận chuyển chủ đạo, bao gồm tàu điện mặt đất, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt... Đây cũng chính là điều mà nhiều quốc gia phát triển đã làm và đã thành công. Ở nhiều quốc gia, hầu như các thành phố, khu công nghiệp có trên 5 vạn dân đều lựa chọn xe buýt làm chủ lực. Theo một thống kê của Ngân hàng Thế giới thì tại hơn 20 thành phố của Đông Nam Á, hệ thống xe buýt đang đảm nhận hơn 31% nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân. Riêng các loại hình xe buýt nhanh (BRT) hiện có mặt tại hơn 110 thành phố trên thế giới. Buýt nhanh được cho là phù hợp khi chưa có điều kiện để phát triển hệ thống đường sắt nhẹ đô thị hay metro.
Đứng trước yêu cầu phát triển, đòi hỏi đặt ra với các thành phố văn minh, hiện đại là phải bảo đảm tiêu chí về giao thông trong đô thị bền vững, kết nối các phương tiện công cộng, lan tỏa từ các trung tâm đông dân cư ra khu vực lân cận. Vài chục năm trước, Hà Nội từng có một hệ thống xe điện nội thị hoạt động rất hiệu quả. Sau đó đến hệ thống xe buýt thông thường tốc độ chậm, giá rẻ nhưng đóng góp đáng kể trong vận tải công cộng. Tuy vậy, trong bối cảnh đô thị phát triển như hiện nay, những phương thức ấy đã không còn thích hợp, đặc biệt khi phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) đang gia tăng với tốc độ chóng mặt, xe buýt thông thường đi chung đường với các phương tiện khác lại trở thành vật cản gây ùn tắc giao thông. Do vậy, trong quá trình quy hoạch đô thị dù thế nào các nhà quản lý cũng cần trả lời được câu hỏi “người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì? Các tuyến hướng hay phương tiện công cộng nào có khả năng đáp ứng tốt nhất? Tất nhiên, dễ thấy là cùng với việc vận hành các loại hình tàu điện nhẹ, tàu điện trên cao, hay metro thì phương án xe buýt nhanh có đường riêng là một lựa chọn rất đáng lưu ý.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để giải quyết những thách thức trong việc phát triển đô thị một cách bền vững chính là lập kế hoạch và quản lý đô thị, trong đó bao gồm việc xây dựng được quy hoạch giao thông có tính lâu dài, liên tục, quan trọng hơn đó chính là sự tham gia tích cực của các thành phần xã hội, đầu tiên chính là cư dân đô thị phải thích ứng với giao thông công cộng và giao thông công cộng cần phải trở thành lựa chọn ưu tiên, lựa chọn tất yếu của người dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.