(HNM) - Cuối cùng, hai cơn lũ dữ dồn dập đổ xuống dải đất miền Trung cũng đã qua. Nỗi đau mất mát của người dân cũng đang dần lắng. Gần 20 ngày bám trụ, sát cánh cùng đồng bào vùng lũ, chúng tôi cũng ngấm đến tận tâm can thế nào là thiên tai, là tổn thất.
Trong lũ dữ, chúng tôi cảm thấy ấm áp vì tình người, những trái tim nhân ái hướng về khúc ruột miền Trung. Song, với những gì mắt thấy, tai nghe, lại không khỏi lo lắng về công tác cứu hộ, cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Hình ảnh một cụ già ngót nghét tám mươi bơi ra giữa dòng lũ để nhận món hàng cứu trợ cứ ám ảnh chúng tôi mãi...
Thiếu thuyền, thiếu phao, thiếu cả... túi ni lông
Sau một ngày lũ dữ càn quét ở hầu khắp các huyện của tỉnh Quảng Bình, sáng 5-10, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã tới được thị trấn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Mưa vẫn trắng trời. Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đẹp hùng vĩ nay bị nhấn chìm trong biển nước. Lối vào thị trấn bị chia cắt hoàn toàn, nhiều đoạn đường ngập sâu tới 2m. Mới 7h sáng, hàng trăm người dân đã tập trung tại đây, ánh mắt xa xăm ngóng về cái thị trấn bé nhỏ. Cả trăm người như một, ai cũng đau đáu đặt câu hỏi: không biết giờ ni trong ấy ra sao? Phương tiện đi vào vùng lũ không có, điện thoại di động cũng không liên lạc được càng khiến ruột gan nóng như lửa đốt. Khắc khoải chờ đợi một cái tin từ vùng lũ chuyển ra sao mà khó đến vậy. Bất chợt, chiếc thuyền phao tự tạo bằng hai chiếc săm ô tô của một cậu bé chừng 15 tuổi tròng trành từ thị trấn đi ra. Cả trăm người đổ dồn về phía cậu. Hỏi han qua loa được dăm câu ba điều, mọi người nháo nhác đăng ký để xuống chiếc thuyền chỉ đủ cho hai người ngồi co gối. Trong số hàng trăm con người ấy, duy chỉ có một người may mắn được ngồi trên chiếc thuyền phao chênh vênh để cậu bé đưa vào tâm lũ. Chị Phạm Thị Viện (thôn 7, Nghĩa Minh, thành phố Đồng Hới) nói trong nước mắt: Không biết các em tôi trong đó giờ thế nào. Ngót 4 tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi vẫn chưa có phương tiện để vào. Mình là phận gái, không lẽ lại bì bõm lội vào đó xem sao. Ước gì giờ có một chiếc thuyền nan.
Hàng cứu trợ “truyền thống” vẫn là mỳ tôm. Ảnh: TTXVN |
Chị Viện vừa dứt lời, một chiếc thuyền gỗ vừa đủ chở 3 người lặng lẽ chèo ra. Cả đám người lại xô ra xếp hàng để chờ được lên thuyền. Mọi người bỗng chưng hửng quay vào khi chủ thuyền thông báo: Tôi ra lấy máy phát điện cho xã để khôi phục trạm thu phát sóng, lát nữa nhé.
Lại thêm một lần chờ đợi và cuối cùng cả hai chiếc thuyền nan kia vào nhưng không ra nữa. Chẳng còn cách nào, phóng viên Hànộimới đành gói lại chiếc máy ảnh, vừa lội vừa bơi để vào khu vực thị trấn. Tại đây, hai chiếc thuyền nan và mấy cái bè đóng bằng thân cây chuối nằm im một chỗ. Hỏi ra mới biết chính quyền xã ngăn, không cho người dân đi lại vì sợ không bảo đảm an toàn. Cứ như thế, người trong vùng bị lũ chia cắt trông ngóng, chờ đợi sự giúp đỡ từ phía bên ngoài, người bên ngoài lại đau đáu lo cho người vùng lũ.
Chúng tôi đặt giả thiết, nếu thị trấn Phong Nha có một chiếc thuyền máy thì công tác tiếp cận cũng như việc cấp phát hàng cứu trợ được thực hiện rất suôn sẻ. Nước tại đây dâng cao nhưng hoàn toàn không có lũ cuốn, dọc lối vào không có sông, hồ rải rác, vì vậy những chiếc thuyền nan hoàn toàn có thể là phương tiện cho người dân nhưng điều tưởng như đơn giản ấy lại không có.
Tiếp tục cuộc hành trình đến với bà con vùng lũ, chúng tôi băng qua một số đoạn bị chia cắt trên đường Hồ Chí Minh, quay trở lại huyện Hương Khê, nơi được coi là rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh. Bằng tất cả các mối quan hệ, phóng viên đã có cơ hội "bám càng" cùng chiếc thuyền máy của Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê đi vào vùng lũ bị chia cắt. "Cõng" theo 5 tấn gạo với gần chục con người, chiếc thuyền máy tròng trành ra khơi rồi phải quay lại bến vì quá tải. Lên thuyền, tôi hỏi anh em cán bộ kiểm lâm: Anh ơi, tàu của mình không có phao cứu sinh à? Các anh nhìn tôi cười lạ lẫm: "Cần chi. Năm nào Hương Khê cũng dính vài ba trận lũ. Chúng tôi đã quá quen rồi".
Nghe các anh nói vậy, tôi chột dạ nhìn xuống dòng sông Ngàn Sâu đang cuồn cuộn nước đỏ, ngộ nhỡ điều không may xảy ra... Nếu trên thuyền đi cứu hộ có khoảng mươi chiếc phao cứu sinh, chắc chắn gần chục con người không phải phập phồng, thót tim mỗi khi thuyền tròng trành lao vào vùng nước xoáy. Thực tế, tai họa cũng đã từng xảy ra đối với ngay cả những người đi cứu hộ, cứu nạn. Vụ Thiếu tá Lê Văn Phượng (Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Quảng Trị) bị lật thuyền, hy sinh năm 2009, trên đường đi cứu nạn lũ lụt ở xã Hải Lệ là một ví dụ điển hình.
Cả ngày tham gia cùng đoàn cứu trợ, chúng tôi nhận thấy không chỉ thiếu thuyền, thiếu phao mà ngay cả đến những vật dụng tối thiểu để bảo quản hàng cứu trợ cũng thiếu. Một cụ già ngót nghét 80 tuổi phải bơi qua nóc nhà để đến với chiếc thuyền cứu trợ. Khi cụ đem được vài gói mỳ tôm, mấy mẩu lương khô về tới nơi thì... những đồ tiếp tế kia cũng đã ướt mèm. Thương dân, lúc ấy nhiều người mới nghĩ tới chiếc túi ni lông rẻ tiền nhưng kiếm đâu ra giữa vùng đất mênh mông toàn nước. Rõ ràng, năm nào bão lũ cũng đổ bộ vào miền Trung và sau đó là hàng loạt biện pháp cứu trợ được triển khai, vậy các cấp chính quyền ở địa phương, các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn tại sao vẫn chưa rút được kinh nghiệm về công tác chuẩn bị.
Phương tiện thiếu, nhân lực yếu và chưa chuyên nghiệp
Quay trở lại thành phố Hà Tĩnh, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Võ Kim Cự (Chủ tịch UBND tỉnh) nhắc đi nhắc lại: Nếu Chính phủ cấp cho lực lượng cứu hộ của tỉnh thêm 5 xe ô tô gầm cao thì thiệt hại do bão lũ gây ra sẽ giảm đi đáng kể. Đề xuất này gây bất ngờ cho tất cả các thành viên trong cuộc họp bởi ô tô gầm cao không phải là phương tiện gì quá chuyên dụng, đắt đỏ và khó kiếm mà Hà Tĩnh không huy động nổi. So với thiệt hại của bão lũ gây ra, số tiền đầu tư để mua ô tô và trang bị các phương tiện chuyên dụng chẳng khác gì muối bỏ biển nhưng bất cập là ở cách làm, ở công tác chuẩn bị, bởi đâu phải bây giờ Hà Tĩnh mới có lũ?
Công tác cứu nạn, trục vớt chiếc xe khách biển kiểm soát 48K-5868 bị lũ cuốn trôi trên dòng sông Lam xảy ra trên địa phận huyện Nghi Xuân cũng là vấn đề đáng bàn. Có thể thấy, phương án cứu nạn chiếc xe này gặp quá nhiều trắc trở, lúng túng trong triển khai, phương tiện chuyên dụng thiếu, lực lượng tham gia cứu nạn chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Sau ba ngày bị lũ cuốn trôi, tỉnh Hà Tĩnh huy động hơn 300 người triển khai công việc tìm kiếm nhưng vẫn không thể xác định được vị trí chiếc xe, thậm chí đã có lúc lãnh đạo tỉnh nghĩ đến việc nhờ vào tài phán đoán của các nhà ngoại cảm. Tuy vậy, nhìn lại quy trình, ai cũng có thể thấy rõ sự bất cập từ việc lập chốt CSGT ngăn không cho chiếc xe khách chạy qua khu vực ngập nước đến việc cứu nạn chiếc xe này. Ngay khi xảy ra tai nạn, lực lượng Công binh Quân khu 4 đã đưa máy rà mìn để phát hiện kim loại dưới đáy sông. Đáng tiếc, máy rà mìn chỉ phát huy tác dụng trong phạm vi bán kính 5m, trong khi nước lũ sông Lam dâng cao tới 15m. Ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: "Quân khu 4 có cả tàu quét đáy biển, thể hiện vật cản rất hiện đại". Nhưng, khi dư luận đặt câu hỏi tại sao không đưa phương tiện này phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn thì ông cho rằng "vấn đề là điều tiết phương tiện sao cho phù hợp"(!?). Và rồi, may mắn cho các gia đình có người thân bị tử nạn trong vụ lật xe khách cũng đến khi nhóm thợ lặn tình nguyện của 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia cứu nạn. Phương án tìm kiếm của nhóm thợ lặn này đơn giản nhưng rất hiệu quả. Sau khi dùng tàu công suất lớn kéo lưới quét giăng ngang sông Lam, họ cử thợ lặn xuống và đã phát hiện được vị trí chiếc xe khách bị nhấn chìm, trong khi lực lượng cứu hộ chính quy vẫn đang loay hoay với rất nhiều phương án.
Bài học kinh nghiệm từ xã Phương Mỹ
Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ nói với chúng tôi rằng: May mắn lớn nhất trong trận lũ lịch sử năm nay, Phương Mỹ không có người tử nạn. Là xã trũng nhất của rốn lũ Hương Khê, địa hình phức tạp, sông hồ xen kẽ khu dân cư nhưng khi lũ về, người dân đã chủ động phòng tránh. Sở dĩ không có thiệt hại về người bởi toàn dân trong xã đã có kinh nghiệm chạy lũ từ hàng trăm năm qua. Có hai vật dụng mà gần như gia đình nào cũng có, đó là thuyền và chiếc bè làm bằng thùng phuy để chứa đồ. Mỗi khi có lũ, người dân chủ động di chuyển đồ đạc, lương thực lên chiếc bè tự tạo. Nước dâng đến đâu, bè nổi lên tới đó. Khi cần sơ tán lên vùng cao, người dân sử dụng chính chiếc thuyền của gia đình mình làm phương tiện đi lại. Vì thế, rủi ro hiếm khi xảy ra ngay cả khi nước lũ dâng ngập nóc nhà.
Trong quá trình "bám lũ", chúng tôi nhận thấy thiên tai vẫn tiếp tục đe dọa, đeo bám dải đất miền Trung và việc xây dựng một đội ngũ cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nếu mỗi khu dân cư, mỗi làng, mỗi xã đều có lực lượng xung kích tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn thì thiệt hại do bão lũ gây ra sẽ giảm đi rất nhiều. Lực lượng này phải được trang bị phương tiện, được huấn luyện kỹ thuật cấp cứu, biết cách lập phương án cứu hộ, cứu nạn và nhất thiết phải được diễn tập ở tất cả các tình huống có thể xảy ra. Sử dụng lực lượng cứu hộ tại chỗ vừa nhanh vừa hiệu quả mà lại đỡ tốn kém. Ông Văn Phú Chính, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống lụt bão khu vực miền Trung cho rằng, các xã nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai cần triển khai xây dựng các nhà cộng đồng. Khi bão lũ xảy ra, toàn bộ người dân trong thôn, trong xóm sẽ được di dời đến những ngôi nhà này. Tại đây sẽ có một lượng nước uống, nhu yếu phẩm dự trữ cần thiết, đủ cung cấp cho người trong một thời gian. Trong trường hợp hết lương thực, thực phẩm, lực lượng cứu hộ chỉ cần phát tín hiệu, lập tức các đoàn cứu trợ có thể tiếp cận ngay vị trí này, thay vì phải đi đến từng nhà dân bị ngập lụt.
Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự quan tâm đầu tư, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và điều cốt yếu là nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai. Có thể, trong quá trình xây dựng phương án sẽ gặp không ít khó khăn nhưng đó là giải pháp duy nhất mang tính chất lâu dài, toàn diện để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.