Lũ trên sông Kiến Giang đã vượt mức lũ lịch sử năm 1979 gần 1 m. Trong 6 giờ tới, lũ trên sông này khả năng đạt kỷ lục mới là 5,2 m.
3h sáng 19-10, tin lũ khẩn cấp trên các sông ở Quảng Bình được phát đi từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết mực nước trên sông ở khu vực này lên nhanh trong đêm. Lúc 1h, lũ trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) đạt 4,79 m, trên báo động 3 là 2,09 m.
So với đỉnh lũ năm 1979, lũ trên sông Kiến Giang đã vượt mức lịch sử gần 1 m. Chuyên gia cảnh báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông này có thể đạt đỉnh mới là 5,2 m, sau đó xuống dần.
Ngoài ra, lũ trên sông Ngàn Sâu ở mức báo động 2 là 9 m, sau đó tăng lên 9,5 m, trên báo động 2.
Cơ quan khí tượng cho biết từ tối 18-10 đến rạng sáng 19-10, Quảng Bình và Hà Tĩnh xuất hiện mưa lớn, phổ biến 50-150 mm. Nhiều nơi có mưa đặc biệt lớn khi ghi nhận lượng mưa trên 200 mm chỉ trong 6 giờ, gồm các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) và Vạn Trạch, Trường Xuân (Quảng Bình).
Trong khi đó, khu vực Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có mưa nhưng giảm hẳn so với những đêm trước đó, lượng mưa phổ biến 20-50 mm.
Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ, mưa lớn còn tiếp diễn ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đến hết ngày 21-10. Trong 3 ngày tới, lượng mưa dao động 300-500 mm, có nơi trên 600 mm.
Với cường độ mưa này, khu vực có thể hứng chịu ngập lụt diện rộng, đồng thời nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khi mưa trút xuống trong thời gian ngắn.
Những ngày tới, mưa mở rộng ra khu vực Nghệ An với lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, mưa lớn vẫn có khả năng xuất hiện khi tổng lượng mưa ghi nhận được có nơi trên 300 mm. Riêng Quảng Nam và Quảng Ngãi, mưa giảm với lượng dao động 50-100 mm.
Chuyên gia khí tượng cảnh báo từ nay đến ngày 20-10, lũ đặc biệt lớn có nguy cơ cao xảy ra trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các địa phương:
- Nghệ An: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương
- Hà Tĩnh: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ
- Quảng Bình: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch
- Quảng Trị: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía Tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng
- Thừa Thiên - Huế: A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền
- Quảng Nam: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang
Vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp diễn ngập lụt sâu, diện rộng, đặc biệt tại các địa phương:
- Hà Tĩnh: Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Khê, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh
- Quảng Bình: Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, thành phố Đồng Hới
- Quảng Trị: Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị
- Thừa Thiên - Huế: Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Trà
- Quảng Nam: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, thành phố Hội An
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.