Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lớp học đặc biệt của “thầy giáo” khuyết tật

Bảo Nga| 17/06/2014 06:04

(HNM) - Từ những nét chữ, con số được viết bằng... miệng, tấm gương về tinh thần hiếu học, vượt lên chính mình của

Từ những nét chữ, con số được viết bằng... miệng, tấm gương về tinh thần hiếu học, vượt lên chính mình của "thầy Trường" được bà con khắp vùng truyền tai nhau như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, gợi nhớ về hình ảnh của thầy Nguyễn Ngọc Ký thứ hai...

Vượt qua chính mình


Giữa cái nắng oi nồng của trưa hè tháng 6, gian nhà nhỏ nằm ven tuyến đường liên xã của "thầy Trường" vẫn văng vẳng tiếng trẻ ê a tập đọc. Bước chân qua cánh cửa xếp, ấn tượng đầu tiên là hai giá sách ngồn ngộn đủ loại sách, tranh, truyện thiếu nhi. Trong gian nhà tuềnh toàng nhưng ngăn nắp, chẳng có nổi vật dụng gì giá trị, ngoài mấy bộ bàn ghế và chiếc giường cũ. Ở một góc nhà, hơn chục đứa trẻ độ tuổi học sinh tiểu học đang ngồi quây quần trên những bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn theo hình chữ U. Phía trong, "thầy Trường" ngồi trên xe lăn, trước mặt là một chiếc bàn nhỏ đặt dụng cụ học tập và chiếc giá đựng vở. Thầy say sưa giảng. Phía dưới, tất cả đều chăm chú học, nhóm cắm cúi luyện chữ, nhóm say sưa làm toán, nhóm tập đọc ê a. Thấy khách, đám trẻ lễ phép ngẩng lên chào. Sau phút làm quen, chốc lát câu chuyện giữa chúng tôi với "thầy giáo" Phùng Thiên Trường đã trở nên thân thiện...

Thầy Trường cùng các học trò trong giờ luyện chữ.


Bác Đỗ Thị Năm - mẹ Trường cho biết, Trường là con cả trong gia đình có 5 anh em, cuộc sống thuần túy bằng nghề nông nên chẳng mấy dư dả. Ngày cậu con trai đầu lòng bụ bẫm, kháu khỉnh chào đời, cả nhà ai cũng mừng đến trào nước mắt. Nhưng đến năm 2 tuổi, khi tất cả bạn bè cùng trang lứa đều đã lon ton tập chạy, Trường vẫn chưa thể tự đi. Hai đầu gối của cậu bé luôn tiết ra thứ dịch nhầy trơn tuột, hễ bước đi là ngã. Tuy chân tay không khỏe mạnh như bạn bè, nhưng đến tuổi cắp sách đến trường, Trường vẫn nhất định đòi bố mẹ cho đi học. Vốn sáng dạ và ham học, suốt những năm tiểu học, anh luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Nhưng càng lớn, hai tay, hai chân anh đều teo lại và mất dần cảm giác. Đến năm lớp 8 thì cả hai chân liệt hẳn, hai tay yếu đến mức gần như không hoạt động. Trường đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ cắp sách đến trường.

Những ngày tháng ngồi nhà trông coi tiệm tạp hóa ven đường, ngày ngày dõi theo đám trẻ con í ới rủ nhau đi học, bàn tán chuyện bài vở, học hành..., chàng thanh niên khuyết tật lại càng khát khao được đến lớp. Một lần, tình cờ nghe chương trình radio, anh được biết câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký, người bị liệt cả hai tay từ nhỏ, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng bằng quyết tâm đã luyện viết chữ bằng chân và trở thành thầy giáo giỏi. Từ ấy, khát vọng trong anh ngày một lớn dần. Không thể cầm bút bằng tay, chân, Trường ngậm bút vào miệng tập viết. Nghĩ thì đơn giản, nhưng khi thực hiện mới thấy khó vô cùng. "Thời gian đầu chưa quen, mỗi khi bút chì chọc vào miệng tôi lại nôn ọe, vô cùng khó chịu. Để có được điểm tựa, tôi học cách đưa bút vào giữa hai hàm răng để giữ. Nhưng khổ nỗi, mỗi lần cúi sát vở để luyện chữ trong thời gian dài, khi ngẩng lên, tôi muốn ngất xỉu vì hoa mắt, chóng mặt. Cũng may, bố tôi nghĩ ra cách buộc thanh tre vào bút khiến đầu bút dài ra nhưng lực ấn vẫn mạnh và dễ điều khiển, khi ấy tôi mới có thể viết được dễ dàng..." - Trường nhớ lại. Hơn một tháng miệt mài luyện tập, nét chữ của anh bắt đầu gọn lại, rõ và mềm mại hơn. Kỳ công hơn, anh bắt đầu học những mẫu chữ trên tivi, trong sách dạy viết chữ đẹp... để sáng tạo theo cách riêng của mình. Chỉ một thời gian ngắn, chữ viết của Trường đã đẹp lên trông thấy, ai cũng thán phục. Nếu không tận mắt chứng kiến, không ai tin những nét chữ bay bổng, tài hoa ấy lại được viết nên từ... miệng của một người bị khuyết tật cả hai tay, hai chân! Thấy những đứa cháu con em gái viết chữ xấu và học hành không tiến bộ, Trường gọi chúng lại chỉ bảo cho cách học. Chiều nào cũng vậy, hễ tan trường là mấy đứa cháu lại kéo nhau về nhà bác Trường để tập đọc, tập viết. Lâu dần thành nếp, đám trẻ con trong xóm từ chỗ tò mò đứng xem, rồi thích thú kéo nhau sang "học ké". Nhiều cháu đã viết chữ đẹp, làm toán tiến bộ hẳn lên chỉ sau thời gian ngắn được anh Trường kèm cặp. Thấy con cái học hành tiến bộ, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong thôn, xóm mang con em đến xin gửi gắm "thầy Trường".

Gieo mầm ý chí...


Kinh tế gia đình không mấy dư dả, lớp học của Trường ban đầu chỉ là những bộ bàn ghế thô mộc, đóng vội; ánh điện khi mờ khi tỏ, lúc có lúc không. Đến với lớp học đặc biệt của Trường, không có phấn trắng, bảng đen, mà chỉ có những cuốn sách đã long bìa được đặt trong giá nhựa. Ấy thế nhưng càng ngày, đám trẻ con trong xã xin đến học càng đông. Không đủ chỗ ngồi, nhiều em sẵn sàng đứng để nghe thầy giảng, để tận mắt được xem thầy rèn chữ. Học trò có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích. Mùa hè, lớp học mở cửa từ 6h và kéo dài đến cuối giờ chiều. Sức khỏe có hạn nên Trường chỉ nhận kèm chừng 15 - 20 cháu. Với mỗi lứa tuổi, anh có cách kèm cặp riêng. Những cháu đang học lớp một, lớp hai được anh chú tâm luyện chữ; lớp ba đọc bài, lớp bốn, lớp năm làm toán... Kiến thức của người chỉ học hết lớp 8 không nhiều, chỉ đủ để anh rèn những kỹ năng cơ bản, lấp dần lỗ hổng kiến thức cho bọn trẻ. Nhưng điều đáng quý nhất là ở lớp học đặc biệt ấy, anh đã gieo mầm ý chí, tinh thần ham học và vượt lên chính mình, quyết tâm trở thành người có ích cho xã hội cho mỗi học trò. Để dạy dỗ bọn trẻ tốt hơn, Trường thường xuyên cập nhật kiến thức cho mình thông qua chiếc máy tính. Giờ đây, ngoài những giờ dạy kiến thức, anh còn giảng giải cho các em về những kiến thức xã hội, kỹ năng sống... Những bài học giản dị nhưng ấm áp của Trường đã lay động trái tim các em nhỏ. Cháu Phùng Thị Thu Thảo, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Nam Phương Tiến mừng khoe: "Cháu được sang nhà bác Trường tập viết và làm toán hơn 2 năm. Bác Trường viết chữ đẹp lắm. Cháu và các bạn được bác rèn cho cách viết chữ sao cho đẹp, làm toán sao cho nhanh. Cháu thích được bác dạy học. Hai năm nay cháu đều được danh hiệu học sinh giỏi và còn được cô giáo chọn đi thi vở sạch chữ đẹp của trường...". Nhiều phụ huynh cho biết, họ mong muốn gửi gắm con vào lớp học đặc biệt của thầy Trường để con không chỉ được rèn nét chữ, mà còn được luyện nết người, được gần gũi với một người thầy có nhân cách và tâm hồn đẹp.

Cảm động trước nghị lực sống của Trường, chị Ngô Thị Hường, một cô gái làng bên đã đem lòng yêu thương và quyết tâm vượt qua mọi rào cản để đến với anh. Năm 2012, một đám cưới đơn sơ, cảm động được tổ chức trong sự mừng vui của tất cả mọi người. Hạnh phúc được nhân đôi khi chỉ một năm sau, chị sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh được đặt tên Phùng Thiên Trường Quảng.

Sau nhiều năm dạy học miễn phí, cảm thương hoàn cảnh của anh, các phụ huynh tự bảo nhau đóng góp 150.000 đồng/cháu/tháng để giúp Trường có thêm thu nhập. Khoản tiền tuy nhỏ nhưng cũng giúp anh đỡ đần vợ con. Trong tâm trí người thầy khuyết tật ấy luôn ấp ủ khát khao một ngày nào đó sẽ mở được lớp học khang trang, để đón nhận nhiều học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh như mình. Kể từ khi có con, Trường khát khao được sống, dù chỉ là mươi năm nữa, để được dạy dỗ, dìu dắt con nên người. Dạo gần đây, sức khỏe anh ngày một yếu, nhưng Trường không dám đi khám vì lo nếu phát hiện ra nhiều bệnh, tiền đâu lo thuốc thang? Cuộc sống của người thầy giáo khuyết tật ấy còn đầy rẫy những khó khăn trước mắt, nhưng tấm gương vượt lên số phận của Phùng Thiên Trường đã trở thành niềm tự hào của người dân trong xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lớp học đặc biệt của “thầy giáo” khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.