(HNM) - Mạng lưới lãnh đạo và phục vụ Đông Nam Á (tổ chức tình nguyện xuyên quốc gia SealNet) được thành lập năm 2004 bởi các sinh viên Trường ĐH Stanford, Mỹ. Thành viên SealNet đến từ nhiều quốc gia nhưng hầu hết đều là người gốc Á, trong số đó có cả những Việt kiều chưa một lần về thăm quê hương.
Các bạn trẻ thuộc tổ chức tình nguyện xuyên quốc gia SealNet với trẻ em làng Hòa Bình. Ảnh: Đàm Duy |
Ý tưởng về dự án đã nhen nhóm trong Nguyễn Anh Tú, cô sinh viên Trường Đại học UCLA (Mỹ) từ tháng 11-2009 sau khi có hai năm tham gia tích cực vào các dự án tình nguyện vì cộng đồng ở Thái Lan và Việt Nam của SealNet. Tất cả những công tác khảo sát, bàn bạc chuẩn bị đều diễn ra trên mạng vì cậu bạn Pak Hin Lee phụ trách cùng lại học ở Đại học Stanford. Tập hợp một nhóm tình nguyện viên quốc tịch Canada, Hongkong, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam đã khó, làm việc thế nào để ăn ý lại càng khó hơn. Nhóm quyết định mọi cuộc bàn luận, phân công, kêu gọi tài trợ đều qua Skype (nói chuyện trực tuyến trên mạng). Bàn đi bàn lại, dự án rồi cũng thành hình. Năm nay nhóm dành hơn 11.000USD là số tiền mà các thành viên SealNet quyên góp được tài trợ cho Làng Hòa Bình, Thanh Xuân( Hà Nội).
Khó khăn lớn nhất mà các tình nguyện viên quốc tế gặp phải là rào cản ngôn ngữ. Làm việc với trẻ nhiễm chất độc da cam cần nhất là sự kiên nhẫn, vì các em học nhanh nhưng cũng quên rất nhanh. Có khi cả buổi chỉ học được một từ tiếng Anh đã là khá lắm. "Điều quan trọng là để các em cảm nhận được sự chân thành của mình" - Pak Hin Lee - tình nguyện viên người Hồng Kông, phụ trách chính dự án chia sẻ.
Vất vả là vậy nhưng khi thấy những nụ cười của các em nhiễm chất độc da cam, thấy được sự tiến bộ của các em qua từng ngày thì cũng rất nên được vất vả - Kate, tình nguyện viên người Mỹ tươi cười mãn nguyện.
Trong hai tuần ở Làng Hòa Bình, ngoài việc dạy kỹ năng, tổ chức trò chơi nhằm kích thích khả năng sáng tạo và nhận diện màu sắc, hình khối cho trẻ em trong Làng, các sinh viên quốc tế còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhóm sinh viên THPT và sinh viên đại học ở Hà Nội. Đó là kinh nghiệm hoạt động dự án, kỹ năng xin tài trợ. Đền đáp, tiếp nối, chia sẻ những gì đã học được cho người khác là cách mà SealNet nhân rộng những kinh nghiệm hoạt động xã hội của mình tại những nơi có dự án hoạt động. Tính bền vững là điểm khác biệt lớn nhất của SealNet với những dự án tình nguyện nhỏ lẻ, thời vụ diễn ra hiện nay.
Rời Làng Hòa Bình, tôi cứ nhớ mãi lời chia sẻ của Kin - một trong những "đàn anh" có hơn 3 năm kinh nghiệm với SealNet: "Chúng ta làm tình nguyện đừng chỉ chú tâm vào việc cho đi cái mà ta đang có mà phải cố gắng nhận lại từ những người mà ta đang giúp đỡ". Những thứ nhận lại có khi chỉ là những cái ôm, những tiếng gọi chị, gọi anh cũng đáng quý lắm. Tôi chợt mỉm cười khi nhận ra mình cũng đang nhận được nhiều lắm những bài học chỉ sau một buổi ghé thăm làng trẻ Hòa Bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.