(HNM) - Là khu vực có vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng nhưng Châu Á lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh.
Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở Châu Á” tại Hà Nội. |
Thách thức an ninh trên Biển Đông
Một trong những chủ đề nóng nhất được các học giả, nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm tại hội thảo là những căng thẳng trên Biển Đông gần đây. Theo TS William Choong, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore, trong khi Trung Quốc cố gắng xây dựng các mối liên kết kinh tế và an ninh với các nước ASEAN, thách thức lớn nhất với ASEAN và an ninh khu vực lại là chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Đối với các nước ASEAN, các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông tạo ra mối hiểm họa hiện hữu đối với các nước này và vai trò chủ chốt của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Thực tế là Trung Quốc không quan tâm đến sự kêu gọi của ASEAN về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thể hiện qua sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong làm rõ các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982" - TS William Choong nhấn mạnh.
TS Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle của Philippines cho rằng, từ năm 2009, Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận gây hấn trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền mở rộng của nước này ở Biển Đông. Vì thế, hiện nay Mỹ và Nhật Bản đang lấp đầy không gian này bằng cách cân bằng chiến lược với Trung Quốc tại Biển Đông. Một số ý kiến tại hội thảo đã thẳng thắn chỉ ra rằng, những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây đã cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên trong khu vực. Xét theo cơ sở khoa học và luật pháp quốc tế thì bản đồ đường lưỡi bò không có bất cứ cơ sở nào, vì vậy chừng nào Trung Quốc từ bỏ đường lưỡi bỏ phi lý thì niềm tin mới được xây dựng.
Xây dựng lòng tin khu vực
Là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về tình hình khu vực ASEAN, GS.TS Oba Mie thừa nhận, so với trước đây thì quan hệ đối kháng và căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông ngày càng gia tăng về mức độ, đặc biệt sau khi Trung Quốc tuyên bố (hoàn toàn không có cơ sở - PV) phần lớn chủ quyền trên Biển Đông. GS.TS Oba Mie cho biết: "Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình là lựa chọn hợp lý".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cần phải có một cơ chế ASEAN để thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách gây bất ổn của mình đối với khu vực. Đây là điều không dễ đối với ASEAN khi Trung Quốc "trỗi dậy" trong cấu trúc khu vực mới đang thay đổi. "Để thể hiện được vai trò trung tâm của mình, ASEAN phải vượt qua chính mình khi đối mặt với những thách thức. Xây dựng lòng tin, vì lợi ích của khối và góp phần tạo lập một cấu trúc mới vì hòa bình ổn định và hợp tác phát triển của khu vực đang và sẽ là những thử thách lớn đối với vai trò trung tâm của ASEAN" - PGS.TS Nguyễn Duy Dũng khẳng định.
GS.TS Oba Mie nhấn mạnh rằng: "Trong bối cảnh Châu Á đang phải đối mặt với những thách thức chung về an ninh và phát triển, các tranh chấp chủ quyền và biển đảo, các nước trong khu vực cần cùng nhau thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác. Việc xây dựng lòng tin cần được thực hiện thông qua việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường liên kết trên các lĩnh vực an ninh, chính trị giữa các quốc gia ASEAN với các nước ngoài khu vực cũng là điều kiện căn bản để xây dựng lòng tin, bảo đảm an ninh tại khu vực".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.