Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỏng lẻo công tác kiểm dịch

Quỳnh Dung| 20/02/2010 07:47

Gia cầm sống ngang nhiên bày bán và giết mổ ở các chợ nội thành * Lực lượng chức năng không thể kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm (HNM) - Hà Nội là địa phương có đàn gia súc, gia cầm (GSGC) lớn nhất cả nước, tuy nhiên các trang trại chăn nuôi của Hà Nội chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, lại nằm trong khu dân cư.


Trong khi đó, nhu cầu sử dụng gia cầm tươi sống của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng đột biến. Công tác kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn do ý thức của người dân chưa cao trong khi các cơ quan chức năng lại thiếu sự phối hợp chặt chẽ nên việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, giết mổ... động vật ở một số chợ còn lỏng lẻo.

Gia cầm sống bày bán công khai

Tại các chợ nội thành, hầu hết gia cầm bày bán đều không qua kiểm dịch. Ảnh: N. Nam


Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 500-600 tấn thịt GSGC, trong đó Hà Nội chủ động được 60%, còn lại 40% phải nhập từ các tỉnh khác. Vào những ngày giáp Tết, lượng thịt GSGC cung cấp cho thị trường tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Đây cũng là thời điểm gia cầm nhập lậu tăng mạnh và người kinh doanh tìm mọi cách để "luồn lách" vào chợ. Để kiểm soát tình trạng trên, Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai 9 chốt kiểm dịch động vật liên ngành hoạt động 24/24h tại 9 cửa ngõ của Thủ đô, gồm Ngọc Hồi, Phú Xuyên, Hà Vĩ, Dốc Lã, Trung Giã, Trung Hà, Ba La, Hải Bối, Thịnh Liệt. Mỗi chốt kiểm dịch có đủ các lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, công an và thú y nhằm tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, gia cầm và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào nội thành Hà Nội. Mặc dù vậy, một số hộ kinh doanh vẫn thản nhiên đưa GSGC chưa kiểm dịch vào kinh doanh trong chợ. Nhiều nơi, gia cầm sống bày bán và giết mổ ngang nhiên mặc dù UBND thành phố đã có quyết định cấm từ nhiều năm nay. Do quản lý thiếu chặt chẽ nên một số người kinh doanh trà trộn hàng kém chất lượng để tiêu thụ.

Hiện nay Hà Nội có 14 cơ sở giết mổ GSGC tập trung và 355 chợ có liên quan đến kinh doanh thịt GSGC. Trong khi đó, việc vận chuyển, kinh doanh GSGC sống tại nhiều điểm kinh doanh lẻ trong khu dân cư còn rất phức tạp và khó kiểm soát. Ở hầu hết các chợ cóc, chợ tạm, tình trạng kinh doanh gia cầm sống diễn ra công khai. Tại khu vực chợ Hà Đông, Phùng Khoang… mỗi ngày vẫn có khoảng 6-7 điểm bày bán gia cầm sống. Nếu khách hàng có nhu cầu giết mổ tại chỗ sẽ được phục vụ với giá tiền 10.000 đồng/con. Trong ngày Tết ông Táo (23 tháng Chạp) và ngày 30 Tết, mỗi chợ có từ 5-7 hàng bán gà sống thay vì 1-2 cửa hàng bán cố định như trước kia.

Thiếu sự chỉ đạo của chính quyền

Sở dĩ các điểm kinh doanh giết mổ gia cầm sống tự phát tồn tại ngang nhiên ở các chợ, ngoài ý thức của người dân kém còn do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, quản lý chủ yếu trông vào lực lượng thú y và quản lý thị trường, trong khi đội ngũ cán bộ này quá mỏng và chính quyền địa phương thì buông lỏng. Không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà rằm tháng Giêng sắp tới cũng là thời điểm nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, vì vậy nếu việc giết mổ GSGC không được quản lý chặt thì nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Hiện tại, mỗi cán bộ thú y của một quận phụ trách từ 1 - 2 chợ, việc kiểm dịch được bắt đầu từ 5h30 hằng ngày. Hiện nay, việc kiểm soát vận chuyển GSGC trên địa bàn Hà Nội không chỉ thiếu về nhân lực mà còn thiếu cả phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nên rất khó khăn.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn GSGC, vệ sinh thực phẩm trong các dịp lễ, tết, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc vận chuyển GSGC sống, đây chính là nguy cơ xảy ra dịch bệnh lớn để người dân nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, xử lý nghiêm mọi trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật. Chính quyền địa phương cần chủ động thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác vận chuyển, bày bán sản phẩm GSGC tại các chợ, địa bàn mình quản lý.

Chi cục Thú y cũng tập trung nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ thú y đối với địa bàn phụ trách, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc xử lý hoặc luân chuyển cán bộ nếu cán bộ nào không thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. Bên cạnh đó là tăng cường hoạt động tại các chốt kiểm dịch liên ngành, nhằm hạn chế tối đa việc vận chuyển GSGC, sản phẩm GSGC không đủ tiêu chuẩn vào thành phố.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỏng lẻo công tác kiểm dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.