Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộng lẫy mùa thu Kyushu (Tiếp theo và hết)

Sa Chi| 09/12/2014 06:44

(HNM) - Đến Kyushu dịp cuối thu trong hành trình 5 ngày, 4 đêm trên các cung đường đậm sắc đỏ vàng mùa cây thay lá, chúng tôi chỉ có thể ngắm nhìn cuộc sống của người dân các tỉnh Fukuoka, Nagasaki, Kumamoto... qua cửa kính.


Văn hóa ẩm thực - sức cuốn hút tự nhiên

Trước khi chìm vào giấc ngủ "tạm" trong hành trình 5 giờ bay đêm đến Kyushu chúng tôi được tiếp viên giới thiệu thực đơn, lựa chọn trước món ăn cho bữa sáng sớm "ở trên trời". Không ai bảo ai, nhóm phóng viên chọn bữa sáng theo phong cách Nhật Bản. Vì sao ư? Vì theo Kim Ngân, phóng viên VTV - một người "nghiền" món ăn Nhật Bản "bật mí": Món ăn của người Nhật Bản không những tươi, ngon, bổ dưỡng, đẹp mắt mà còn rất tốt cho tiêu hóa (nhất là trong trường hợp phải ngồi nhiều giờ trên máy bay, không vận động, uống nước ít, ăn ít rau xanh). Yên tâm ngủ "tạm" với tinh thần phấn chấn chờ đợi bữa sáng như vậy quả là một trải nghiệm thú vị.

Những quầy hoa nhỏ xinh trong công viên luôn thu hút khách du lịch.



5h45, loáng thoáng nghe tiếng nữ tiếp viên, lơ mơ ghé mắt nhìn đồng hồ - mới 3h45 - cậu bạn phía bên càu nhàu... Tiếp viên nhẹ nhàng: - Mời anh dùng bữa sáng Nhật Bản, bây giờ đã là 6h kém 15 phút, theo giờ Tokyo rồi ạ! Chỉ nghe có thế, cả nhóm chúng tôi choàng dậy. Một bữa sáng truyền thống địa phương đã đem đến cảm nhận gần gũi về vùng đất như vậy sắp đặt chân tới.

Rời khỏi máy bay, hành trình khám phá văn hóa ẩm thực Nhật Bản được bắt đầu bằng thông báo của chị Nguyễn Phương, hướng dẫn viên tiếng Việt, Công ty TAS (tại Nhật Bản): "Chúng ta sẽ ăn mỳ Ramen trong bữa trưa đầu tiên ngay tại Công viên Châu Âu Huis Ten Bosch. Mỳ Ramen cùng với mỳ Udon, Soba, Somen là bốn loại mỳ truyền thống của xứ Hoa anh đào. Tô mỳ Ramen các bạn thưởng thức trên đảo Kyushu có chung nguồn gốc với mỳ ở khu Hakata (có từ năm 1965) nhưng người Kyushu đã sáng tạo bằng cách cho thêm nước hầm gà và chút tỏi. Vì vậy hãy dùng hết nước hầm, nó sẽ giúp các bạn có đủ sức khỏe khám phá Kyushu tới chiều muộn hôm nay. Chúng tôi cũng hy vọng mỗi bữa ăn trong hành trình sẽ là những nhịp gõ mở cánh cửa trái tim yêu mến của các bạn với nước Nhật Bản".

Và không cần phải đợi đến cuối hành trình, ngay bữa tối đầu tiên tại Nagasaki, "tâm hồn ăn uống" của chúng tôi đã bị "hạ gục". Mỗi thực khách tự "phụ trách" một chiếc mâm gỗ có đế quay, phía trên là 6 món ăn, chưa kể cơm, canh nấm, rau muối chua và một bát trứng hấp đi kèm. Mỗi món được bày theo một phong cách khác nhau, nhỏ xinh, rất bắt mắt. Và để ăn hết các món ăn cân đối âm dương và giàu dinh dưỡng đó bạn phải là người ăn rất khỏe. Một yếu tố khiến thực khách bị cuốn hút đến thích thú với ẩm thực Nhật Bản đó là bước chân vào bất cứ nhà hàng Nhật Bản nào, đều có cảm nhận như bước vào một không gian Nhật Bản thu nhỏ. Chưa nói đến sức hấp dẫn của các món ăn, không gian thưởng thức, sự tinh tế trong cách bài trí một món ăn sao cho vừa tôn được vẻ đẹp của vật dụng, vừa tạo cảm giác về từng mùa khi thưởng thức cũng đủ khiến thực khách phải "ngả mũ".

Vẫn biết ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tinh khiết của món ăn, thế nhưng, theo thói quen của người Việt, những món ăn chế biến từ hải sản thường được dùng kèm nước chấm, gia vị có ớt tươi cho ấm bụng và khử mùi tanh. Cũng vì thói quen đó mà cả đoàn chúng tôi có được kỷ niệm khó quên khi đến Kyushu. Chuyện là, trước bữa ăn chúng tôi thường tìm anh Đào Xuân Hải (Báo Thanh Niên) xin ớt ăn kèm các món ăn có hải sản tươi sống, vì chỉ có anh mang theo cả túi ớt tươi. Đang say mê "đánh chén", cả nhóm bỗng thấy các cô phục vụ xì xầm, xua tay ra chiều can ngăn chuyện gì đó. Vì hai bên không hiểu nhau (bạn không hiểu tiếng Anh mà mình thì không hiểu tiếng Nhật), các cô phục vụ đành mời chủ nhà hàng tới giải thích. Sau rất nhiều nỗ lực thể hiện bằng hình thể, biểu cảm, âm sắc... rồi cả đoàn cũng chưa vỡ ra. Mình thì ra sức giải thích ăn ớt cay rất ngon, hợp với hải sản, anh Hải còn biểu diễn cắn ớt tươi... còn phía bạn cứ xua tay, lắc đầu. Cuối cùng bạn đành chịu thua. Chỉ khi kết thúc bữa ăn, vào nhà vệ sinh cả đoàn mới té ngửa vì sao bạn "phản đối" mình ăn ớt tươi - hóa ra ở trong nhà vệ sinh để một cành ớt với rất nhiều quả. Thảo nào, trong mọi bữa ăn ở Kyushu, chúng tôi không thể tìm ra ớt, có chăng khi hỏi sẽ được phục vụ ớt bột hoặc một lọ nhỏ, tựa như tinh dầu ớt vậy. Thế mới biết, vì sao các cụ xưa dạy: "Nhập gia tùy tục"!

Câu chuyện làm du lịch trách nhiệm và thấu hiểu

Biết chúng tôi đến Kyushu trong chuyến bay đêm, nên sự chu đáo, nồng nhiệt của các anh chị Cục Xúc tiến du lịch vùng Kyushu không chỉ có băng zôn chào mừng hay những nụ cười mà ngay trong phòng họp báo tại sân bay, trên bàn của mỗi thành viên ngoài bản đồ, cặp đựng thông tin về vùng đất Kyushu với các điểm nhấn du lịch trọng điểm của cả 7 tỉnh còn có sẵn chiếc khăn mặt xinh xinh tiện cho việc vệ sinh cá nhân ngay tại sân bay. Sự chu đáo đó khiến chúng tôi thực sự ấm lòng và rõ hơn rằng làm du lịch là phải chuyên nghiệp tới từng chi tiết.

Khác với những ồn ào, sôi động, hành trình di chuyển liên tục tới các siêu thị, cửa hàng đồ da, mỹ phẩm, dược phẩm kín mít trong các tour du lịch đến Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, người Nhật Bản cho chúng tôi một cảm giác cách làm du lịch chu đáo, trách nhiệm, thấu hiểu và bình tĩnh. Trong hành trình 5 ngày, 4 đêm của chúng tôi, mọi phương án di chuyển giữa các điểm đến đều được tính toán tỉ mỉ. Mỗi ngày chúng tôi tới một tỉnh mới và trong suốt hành trình, các điểm dừng nghỉ tham quan đều được bố trí rất phù hợp với đồng hồ sinh học của người Việt và sức khỏe của lái xe đưa đoàn. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho du khách mọi lái xe đều phải tuân thủ nghiêm quy định, không được lái xe quá 12 giờ/ngày; trước mỗi điểm dừng chân, hướng dẫn viên có trách nhiệm thông báo thời tiết điểm đến, nhiệt độ ngoài trời, nhiệt độ trong xe và những lưu ý về trang phục, vật dụng mang theo. Người Nhật Bản vốn không vội vã, ồn ào mà có phần lặng lẽ trong công sở cũng như nơi công cộng, đặc biệt là thói quen tôn trọng, không làm phiền người khác được thực hiện khá "khuôn mẫu". Chỉ cần họ thấy trong người không được khỏe là "tự giác" đeo khẩu trang phòng, chống lây nhiễm trước khi giao tiếp với du khách, hành động đó được hiểu là cách người Nhật Bản không làm phiền đến sức khỏe của bạn.

Còn có thêm một điều chúng tôi học được trong cách làm du lịch chuyên nghiệp của các bạn Nhật Bản: Đó là tìm hiểu kỹ những mối liên kết văn hóa đất nước của du khách với Nhật Bản. Vì thế, khi đoàn chúng tôi đặt chân tới tỉnh Nagasaki - nơi từng hứng chịu quả bom nguyên tử thứ hai trong Thế chiến II, hướng dẫn viên địa phương đã nói: "Ngoài mối đồng cảm về chiến tranh, với du khách Việt Nam, Nagasaki còn lưu dấu một chuyện tình đẹp. Đó là mối tình của thương gia người Nhật Araki Sotaro với Ngọc Hoa, ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ngay sau bữa trưa, chúng tôi sẽ đưa các bạn tới thăm chùa Daionji (Đại Âm tự), nơi đặt mộ phần của thương gia Sotaro và công chúa Ngọc Hoa". Chỉ với lời giới thiệu ngắn gọn như vậy tất thảy mọi thành viên trong đoàn chúng tôi đều háo hức.

Là một đất nước nổi tiếng về ý thức tự giác, kỷ luật nên khi mới đến Nhật Bản chúng tôi đã có cảm giác khó hòa đồng trong những khuôn mẫu ấy. Nhưng người Nhật Bản cũng nổi tiếng tỉ mỉ trong công việc, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi cảm giác của du khách. Điều đó thể hiện ngay trong cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Ngày thứ nhất đến đất nước Nhật Bản, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhân viên phục vụ nhà hàng quỳ gối trả lời câu hỏi của du khách, cho dù người khách đó đang ngồi ăn ở chiếc bàn khá cao. Hóa ra đó là cách người phục vụ không muốn làm phiền đến bữa ăn của du khách khi phải vừa ăn, vừa ngước lên nói chuyện (nếu người phục vụ đứng). Và việc không xếp hạng sao cho các khách sạn cũng là yếu tố gây thiện cảm đặc biệt với mọi du khách khi đặt chân tới đất nước Nhật Bản. Vì sao ư? Vì người Nhật không muốn khách hàng của mình có cảm giác bị phân biệt giữa giàu và nghèo theo thứ hạng sao của khách sạn mà du khách chọn nghỉ chân. Bạn có thể ở bất kỳ khách sạn nào phù hợp với điều kiện chi trả của mình mà vẫn được hưởng mọi dịch vụ tốt nhất, không có cảm giác vì ít tiền nên phải nghỉ tại khách sạn thấp sao…

Còn nhiều, rất nhiều những điều tốt đẹp rất đáng học hỏi và cùng suy ngẫm để đưa ra những hành động cụ thể giúp du lịch của Việt Nam ngày càng tiến gần tới phong cách chuyên nghiệp của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộng lẫy mùa thu Kyushu (Tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.