Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi thế hay trả lại sự công bằng?

Quỳnh Phạm| 14/08/2014 06:38

(HNM) - Theo quy định về cách tính điểm ưu tiên đối với các ngành có môn thi chính (được nhân hệ số 2), thí sinh (TS) thuộc diện ưu tiên có thể nhận được thêm tối đa 1,667 điểm nữa. Điều này có tạo nên lợi thế áp đảo cho một số TS hay thực ra là trả lại sự công bằng cho các TS đó? Đây là vấn đề đang nhận được sự

Tối đa được thêm 1,667 điểm

Cùng với việc công bố các mức điểm xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định cách tính điểm ưu tiên đối với những trường, ngành có nhân hệ số môn thi chính theo quy định mới của kỳ thi năm nay. Theo đó, với việc nhân hệ số 2 của điểm môn chính, điểm thi sẽ chuyển từ hệ điểm 30 sang hệ điểm 40, vì vậy, điểm xét tuyển tối thiểu có tính đến hệ số môn chính sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản nhân với 4, chia cho 3 và điểm ưu tiên cũng bằng điểm ưu tiên theo quy chế (ứng với hệ điểm 30) nhân với 4, chia cho 3. Lấy ví dụ, một TS thuộc diện ưu tiên theo quy chế, thông thường đang được cộng 1,5 điểm, nếu TS này thi ngành có môn thi chính thì số điểm ưu tiên được tính là 1,5 x 4/3 = 2 điểm. Như vậy điểm ưu tiên thực tế mà TS này được hưởng là 2 điểm, thay vì 1,5 điểm theo quy chế. Theo quy chế, một TS có mức điểm ưu tiên tối đa là 3,5 điểm cho khu vực và đối tượng, nếu tính theo cách trên thì điểm ưu tiên thực tế được cộng sẽ là 3,5 x 4/3 = 4,667, tức là chênh 1,667 điểm.

Cách tính điểm ưu tiên cho ngành có môn thi chính đang nhận được sự tranh luận sôi nổi. Ảnh: Viết Thành



Theo công bố của Bộ GD-ĐT, năm nay có 231 ngành học của 32 trường ĐH, CĐ có xác định môn thi chính (danh sách chưa đầy đủ). Đa số các trường đều chọn nhân hệ số với các ngành có môn ngoại ngữ và năng khiếu. Ngoài ra còn có một số môn khác được chọn như toán, văn, lịch sử, địa lý... Do quy định mới nói trên, một số trường đã phải ít nhiều lùi thời gian công bố điểm chuẩn để tính toán lại mức điểm này. Đại diện Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết, trường đang rà soát để tính toán lại và sẽ sớm công bố mức điểm chuẩn với các ngành có môn nhân hệ số, theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm nay có 4 ngành xác định môn thi chính. Tuy số TS được điều chỉnh điểm không nhiều, nhưng nhà trường ghi nhận có những trường hợp có điểm ưu tiên "mới" rất cao, nhờ đó cơ hội trúng tuyển cao hơn hẳn.

Với các trường có đăng ký môn thi chính nhưng đã công bố điểm chuẩn trước khi nhân điểm ưu tiên với 4/3 thì đang tiến hành xác định lại. Có trường cho biết sẽ chấp nhận lấy tăng thêm số TS đỗ để điểm chuẩn đã công bố không bị thay đổi, khiến cho TS từ đỗ thành trượt. Tuy nhiên, không phải trường có nhiều TS thuộc diện ưu tiên cũng có thể làm theo cách này.

Liệu có hợp lý?


Trong cuộc cạnh tranh giành chỗ vào các trường ĐH, biên độ chênh lệch 1,667 điểm như ví dụ trên là một vấn đề mang tính "sống còn" với các TS. Vì vậy, nhìn vào các con số đó, nhiều người cho rằng cách tính này là thiếu công bằng với số TS không được ưu tiên. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các ví dụ để chứng minh rằng việc nhân hệ số điểm ưu tiên mới tạo được sự công bằng cho TS. Chuyên gia của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cũng lưu ý về các nhận định sai có thể có khi lẫn lộn tác động của việc nhân hệ số môn chính và việc tính điểm ưu tiên. Ví dụ được nêu ra là hai tình huống khác nhau sẽ có kết quả khác nhau:

Ví dụ thứ nhất, học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo quy chế có kết quả: toán 5, hóa 4, sinh 3. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+4+3+3 điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 5+4+6+4 = 19, thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính (20 điểm) mặc dù vẫn nhân hệ số cho điểm ưu tiên.

Ví dụ thứ hai, học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo quy chế có kết quả: toán 3, hóa 3, sinh 5. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 14 điểm (3+3+5+3 điểm ưu tiên) thấp hơn điểm xét tuyển cơ bản; nhưng khi xét đến hệ số môn chính, điểm sẽ là: 3+3+10+4 = 20, bằng điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính. Điều này có thể gây ra nhầm lẫn rằng học sinh được lợi do nhân hệ số cho điểm ưu tiên. Nhưng thực chất đấy là do tác động của việc nhân hệ số cho môn chính.

Chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH cũng đồng tình với việc nhân hệ số điểm ưu tiên với lý do: Cách tính điểm sàn dựa trên tổng điểm thi của 3 môn chuyển sang dựa trên tổng điểm 4 môn (do nhân hệ số), nếu vẫn giữ cách tính điểm ưu tiên cũ sẽ gây thiệt cho một số TS. Ví dụ một ngành được trường xác định điểm chuẩn trúng tuyển là 13, nếu không nhân hệ số môn thi chính, sau khi trừ điểm ưu tiên tối đa theo quy chế 3,5 điểm thì TS phải đạt 9,5 điểm mới đậu và điểm trung bình mỗi môn phải đạt chỉ là 3,17. Cũng với ngành này nhưng nhân hệ số môn thi chính TS cần đạt 17,5 điểm mới trúng tuyển (sau khi nhân hệ số). Nếu vẫn tính ưu tiên theo cách cũ, trừ 3,5 điểm ưu tiên tối đa, TS phải đạt 14 điểm mới trúng tuyển, tức trung bình mỗi môn thi phải đạt tới 3,5. Như vậy, nếu không nhân hệ số điểm ưu tiên TS sẽ bị thiệt khi thi vào ngành có môn thi chính.

Bên cạnh các luồng ý kiến trên, điều mà nhiều người băn khoăn là sự thay đổi sát nút khiến các trường và TS bối rối. Chưa kể, liệu việc thay đổi điểm ưu tiên theo phương thức thi có hợp lý hay không, khi có thể năm sau sẽ có thêm nhiều phương thức khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi thế hay trả lại sự công bằng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.