(HNM) - Đã non nửa thế kỷ kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta (2-9-1969) cho đến nay, chúng ta không quên Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào thời khắc ấy...
1. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 là bản được Người sửa chữa nhiều lần. Đó là những tha thiết, gói suốt cuộc đời làm cách mạng gian khổ của Người để gửi lại với non sông đặc biệt là với các cán bộ, đảng viên - những người trực tiếp có trách nhiệm giữ gìn sự trong sạch của Đảng, thực hiện những nhiệm vụ to lớn dẫn dắt dân tộc bước tiếp những chặng dài.
Tinh thần ấy chỉ gói trong mấy nội dung: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Mấy dòng ngắn gọn nhưng đã trả lời cho hai câu hỏi quan trọng: Cán bộ, đảng viên cần phải có những phẩm chất gì và vì sao phải tuyệt đối giữ gìn những phẩm chất ấy? Trong đó 8 chữ “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” được xem như là nền tảng của đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên trong mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh. Phải giữ được phẩm chất ấy đơn giản bởi vì có như thế mới xứng là công bộc của dân theo đúng nghĩa. Trở thành công bộc của dân tất được dân tin yêu, đồng thuận, ủng hộ. Dân đã tin, Đảng cầm quyền mới có sức mạnh tập hợp, dẫn dắt dân tộc vượt qua muôn ngàn trở ngại để có thể mang ngọn cờ của độc lập, phồn vinh cho dân tộc đi tới đích cuối cùng.
Rõ ràng, văn hóa công bộc là văn hóa mới đến cùng với cuộc cách mạng Tháng Tám - 1945 lịch sử, chính là văn hóa phục vụ dân, văn hóa mình vì mọi người, lấy dân làm gốc. Xét đến cùng đó cũng là giá trị văn hóa mang tinh thần nhân loại, trở thành giá trị chung của chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới.
Đúng như Bác Hồ đã viết trên Báo Cứu quốc ngày 17-10-1945: “Các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp - Nhật”. Và để làm được công bộc của dân thì như lời dặn dò Người để lại trong Di chúc là phải “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Cho đến nay tinh thần ấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự!
2. Từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thấy rõ việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (ban hành ngày 15-5-2016) thực sự là điều cốt tử đối với cán bộ, đảng viên, với sự phát triển đất nước bền vững hôm nay và mai sau. Trong đó có những nội dung về học tập phong cách của Người như "tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn lý luận với thực tiễn”, như “làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn”, hay “ứng xử văn hóa, tinh tế thấm đậm tình yêu dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm…”…
Giản dị thay những điều này mà cũng quan trọng thay những điều này!
Có thể thấy niềm vui của người dân khi nhận được thông tin từ ngày 1-9-2016, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện trao tận nơi giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu và một bó hoa chúc mừng tại những gia đình có trẻ mới sinh. Hay việc Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân… Tất cả đều nằm trong sự chuyển động chung của tinh thần “Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ…” mà người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ.
Lời thề bên Bác trong giờ phút vĩnh biệt Người cũng là lời thề của Đảng với nhân dân. Lời thề còn đó cũng như sự gửi gắm và hy vọng của người dân còn đó! Mãi mãi chúng ta không được phép lãng quên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.