(HNM) - Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề mà giờ này mặt cầu Thăng Long vẫn trong tình trạng nham nhở. Cần lưu ý rằng, đây là cửa ngõ đặc biệt quan trọng của Thủ đô đón các đoàn khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội.
Trước đó, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi công vào cuối tháng 10-2009 với tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ 23-12-2009, vượt tiến độ hơn 1 tháng. Khi ấy người ta quảng cáo rầm rộ công nghệ và vật liệu sử dụng trong dự án này là hiện đại, tiên tiến, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mặt cầu đã bị hư hỏng bởi hàng loạt vết xé, thậm chí xuất hiện cả những "ổ gà", tính đến nay đã phải thực hiện 4 đợt hàn vá với diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông. Tuy nhiên, thống kê ra, phần hư hỏng chưa được sửa chữa vẫn còn tới trên 2.000m2, chiếm hơn 8,5% tổng diện tích mặt cầu.
Theo đại diện nhà thầu thi công thì Bộ GTVT đã chấp thuận cho đơn vị nhập khẩu tiếp nguyên vật liệu về để sửa chữa và dự kiến ngày mai (22-9) vật liệu sẽ được chuyển tới công trình.
Nhưng chuyện là ở chỗ không lẽ một dự án lớn như vậy mà cứ làm ăn tùy tiện, hỏng đâu sửa đấy? Chưa hẳn là như thế, bởi tính ra trong việc này cũng có đầy đủ các thành phần, ban bệ. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát là Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (đều thuộc Bộ GTVT). Nhà thầu thi công là Công ty Bảo Quân. Công nghệ và vật liệu mới được hợp đồng với chuyên gia Singapore và hãng Stirling Lloyd (Anh) đảm nhiệm chuyển giao công nghệ thiết kế hỗn hợp SMA và chuyển giao công nghệ thi công ở cả giai đoạn chuẩn bị và trực tiếp hướng dẫn thi công tại hiện trường... Tức là không phải thích làm thế nào thì làm. Trả lời trên một tờ báo, đại diện nhà thầu thi công cho biết: "Quy trình thi công của họ (tức bên tư vấn, thiết kế, giám sát) đặt ra sao, chúng tôi thực hiện đúng vậy. Trước khi đổ bê tông, có người cắm nhiệt kế đo. Khi nào kim nhiệt kế dừng, đọc số báo nhiệt độ đạt họ mới cho đổ. Lu lèn xong họ cũng cắm nhiệt kế đo…" Nguyên tắc là vậy. Song trên thực tế, mặt đường hư hỏng thì vẫn hư hỏng, thậm chí càng sửa càng hỏng, rồi sửa cũng không xuể. Thế mới thấy đầy mâu thuẫn, đầy nghịch lý.
Đại loại là như vậy. Và nghịch lý lớn nhất là qua gần 9 tháng (tính đến trước ngày 17-9-2010) người ta không thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của sự cố gây hư hỏng mặt cầu. Hình như đã có 2 hội thảo mời cả chuyên gia nước ngoài tham gia mổ xẻ song nguyên nhân sự cố vẫn chìm trong bóng tối. Điều đó cho thấy, sửa chữa, khắc phục chỉ là giải pháp tình thế chứ không ai dám khẳng định nó có tác dụng, hiệu quả cụ thể ra sao, "bảo hành" bao lâu... Tuy nhiên điều thấy rõ là không thể sửa chữa nếu không có kinh phí. Thế nên mới có ý kiến lo ngại rằng, cứ sửa chữa kiểu này thì thà "chịu đau", làm mới hoàn toàn lại từ đầu có khi đỡ tốn tiền hơn.
Giời ạ! Toàn chuyện kỹ thuật chuyên ngành, không ai dám bàn đến. Nhưng mới đây, Bộ chủ quản đã thông báo chính thức nguyên nhân dẫn đến lún nứt mặt cầu Thăng Long, trong đó có đoạn: "Do biến động bất thường của thời tiết, tại một số thời điểm thi công có nhiệt độ thấp cộng với gió mạnh làm cho nhiệt độ của một số mẻ bê tông nhựa SMA hạ thấp nhanh hơn dự kiến, ngoài ra tại thời điểm thi công ban đêm có sương mù đậm đặc, mưa nhỏ... "
Vậy là không còn phải than Trời nữa mà lỗi chính là tại ông Trời. Thế mà ngay từ đầu chẳng ai nghĩ ra. Rằng có giám sát thi công, có hướng dẫn kỹ thuật thi công, có đo nhiệt độ... nhưng thời tiết lúc mưa lúc nắng, khi gió to lúc lại sương mù... biết làm sao được.
Nghĩ mà thương ông Trời. Ông ở cao quá, xa quá, không tự thanh minh được. Và khi ông "bị" chịu trách nhiệm về những sự cố này thì tất cả những người có liên quan đến vụ này đều... vô can!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.