(HNM) - Hàng loạt dự án bị đình trệ; tiến độ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào năm 2013 có nguy cơ không thực hiện được xuất phát từ một lý do: Cơ quan chức năng tại TP Hà Nội bế tắc trong việc xác định nguồn gốc đất.
Năm 2010 là thời hạn cả nước dự kiến hoàn thành cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ), nhưng đã không thực hiện được. Mốc mới cho công tác này là năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội khóa XII. Đây cũng là quyết tâm của UBND TP Hà Nội. Nhưng xem ra mục tiêu này chưa chắc được hoàn thành vì những rắc rối liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất. Hiện nay, 29 quận, huyện, thị xã của TP còn tồn đọng khoảng 112.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Hầu hết liên quan đến việc chưa thể xác định được nguồn gốc đất.
Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: Lê Tuấn |
Hàng loạt dự án chưa thể triển khai hoặc không thể dứt điểm GPMB cũng vì chưa xác định được nguồn gốc đất. Sở GTVT cho biết, dự án hầm Kim Liên và Xã Đàn vẫn còn vướng 3 hộ chưa GPMB xong. Mặc dù việc điều tra, khảo sát đã hoàn thành, người dân cũng sẵn lòng bàn giao mặt bằng, nhưng cơ quan nhà nước không thể xuất tiền vì "mắc" ở nguồn gốc đất. Các vị trí đất này đã "mất dấu" 3 đời, không còn hồ sơ, giấy tờ để có thể xác định chính xác nguồn gốc. Chưa xác định được nguồn gốc đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng không thể xác định được mức bồi thường, hỗ trợ… Các sở, ngành, quận, huyện cũng cho biết, hầu hết các dự án còn đang vướng mắc về GPMB thì đều có chung vấn đề là khó xác định nguồn gốc đất.
Bế tắc trong xác định nguồn gốc đất là nguyên nhân kéo lùi tốc độ phát triển đô thị, làm chậm nhiều dự án, gây lãng phí vốn đầu tư xã hội, tạo ra khiếu kiện, bức xúc trong cộng đồng. Đây là "nút thắt" thuộc dạng khó gỡ nhất và cũng cần gỡ nhất hiện nay tại Hà Nội.
Cần lời giải tổng thể
Giấy tờ là cơ sở đầu tiên để quản lý đất đai. Nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất, nhà của Hà Nội rất thiếu thốn, cũ kỹ và lạc hậu. Việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu đất đai bao năm nay chưa có mấy tiến triển. Đến nay mới chỉ có quận Long Biên làm được việc "điện tử hóa" cơ sở dữ liệu đất đai, nhà ở. Hầu hết cả TP vẫn quản lý đất, nhà theo kiểu thủ công với số giấy tờ, hồ sơ được tính bằng tấn, tạ, được đo bằng chiều dài hàng mét. Lực lượng cán bộ quản lý nhà, đất vốn đã mỏng, lại càng khó đạt hiệu quả công việc cao khi phương tiện và cách thức làm việc còn lạc hậu. Tốc độ giải quyết công việc, nhất là những vấn đề phức tạp liên quan đến nhà, đất vì thế khó có thể đẩy nhanh được.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) vẫn thiếu những hướng dẫn cụ thể về xác định nguồn gốc đất cho các địa phương. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho biết, chủ tịch UBND các xã rất sợ ký văn bản xác định nguồn gốc đất. Họ chỉ làm khi UBND huyện hoặc lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo. Lý do là các quy định hiện hành rất chung chung, khó định lượng, nhưng Sở TNMT với chức năng chuyên ngành chưa có các hướng dẫn cụ thể. Đây là điều khiến Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở TNMT phải khẩn trương có hướng dẫn chính thức về cách xác định nguồn gốc đất để địa phương lấy làm căn cứ.
Một trong những vướng mắc phổ biến trong xác định nguồn gốc đất là người dân kê khai hồ sơ không chuẩn xác. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, tại một số khu tập thể, nguồn gốc diện tích cấp đất cho chủ sử dụng rất ít chỉ 20-30m2, nhưng hồ sơ đề nghị hiện nay lại lên tới cả 100m2. Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu cũng khẳng định "bó tay" và không thể cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp kiểu này. Điều này cho thấy, người sử dụng đất có vai trò không kém phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nguồn gốc đất. Nếu người dân hợp tác tích cực hơn, tôn trọng sự thật và pháp luật hơn, vấn đề có thể sẽ được tháo gỡ.
Dễ thấy, có nhiều lý do khiến việc xác định nguồn gốc đất tại Hà Nội bế tắc. Nhưng cách thức giải quyết, sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với vấn đề này vẫn chưa đủ tầm và còn manh mún, rất cần phải có cái nhìn tổng thể và các giải pháp mang tính toàn diện. Như thế, Hà Nội có thể tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong quản lý và phát triển đô thị hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.