Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lôi sơn Tiểu quá

Đ.H.L| 14/05/2012 15:38

(HNNN) - Trong mọi việc, cần phải nắm vững nguyên tắc chung, tôn trọng tự nhiên và hiểu rõ cách thức để làm việc. Lão Tử cho rằng: Kẻ mong ngóng thì không tự lập; kẻ nhảy nhót thì không hành sự; kẻ chỉ biết mình thì không thông sáng; kẻ tự cho là phải thì không thấu rõ; kẻ tự đánh lẫn nhau là vô công; kẻ tự kiêu thì không lớn được.

Hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh trên trời cao không có mây, là đêm trăng rất sáng. Một viên quan đang đội mũ lên đầu, chuẩn bị bắt tay vào công việc. Có người bị mắc vào lưới, tức là gặp liên lụy rắc rối, được một người giúp lấy dao cắt lưới gỡ rối hộ. Tiểu quá, muốn chỉ ra những sai lầm nhỏ quá nhiều hoặc sự việc hơi thái quá, vì thế muốn giải quyết ổn thỏa rắc rối thì phải đi từ những việc nhỏ lặt vặt trước, để tránh sa vào những khó khăn lớn hơn.

Theo cách luận âm vần cổ, Tiểu quá là hiện tượng núi lở, thiên tai, tai họa nhỏ (vì quá đồng âm với họa). Triệu của quẻ này là phi điểu di âm (chim bay qua để lại tiếng kêu). Màu sắc Tiểu quá là da cam-vàng tạo ra cảm giác không phân biệt rõ ràng, chống chế lẫn nhau, thiếu ổn định, khó gắn bó. Nói Tiểu quá là việc nhỏ cũng đúng, mà việc lớn cũng chẳng sai, vì phải hiểu bản chất của sự thái quá. Nếu cung kính quá thì mất đi sự kiêu hãnh, kiêu hãnh quá lắm thì thành khinh khi; tang lễ không thắm thiết quá thì mất đi sự giản dị, bi ai quá thì mất đi cái tình thật của con người; tiêu pha không tiết kiệm thì xa xỉ, mà tiết kiệm quá thì bủn xỉn. Vì thế Tiểu quá khuyên chúng ta:

1. Trước khi bắt tay vào làm việc gì hoặc muốn giải quyết vấn đề gì, cần phải nắm vững thực tế, vì xa rời thực tế khách quan, đưa ra quyết định thiếu chính xác sẽ mang tai họa không chỉ cho một vài cá nhân mà cả lợi ích quốc gia. Thời Chiến quốc, Tề Cảnh Công phải đem con gái của mình gả cho Ngô Vương Hạp Lư. Khi tiễn con gái đến ngoại thành, Tề Công rơi lệ, than rằng: Chắc đến chết ta cũng không gặp được con. Cao Tử bèn có ý kiến rằng: Nước ta biển lớn, núi cao, dù không được thiên hạ nhưng có nước nào dám xúc phạm đến chúng ta? Đại vương thương yêu con gái thì không nên để công chúa ra đi. Tề Công trả lời: Tuy có nước Tề vững mạnh, nhưng không thể dựa vào đó để ra lệnh chư hầu; lại không thể không nghe lệnh người khác, sẽ phát sinh biến loạn. Nếu không thể ra lệnh cho người khác, thì chi bằng nghe theo người khác. Hơn nữa, nước Ngô giống như con ong, không chích nọc độc vào người khác thì nó không yên, nên ta không để nó có cớ chích nọc độc vào ta. Hoàn cảnh của Tề Công do khách quan bắt buộc là vậy.

2. Không phải bất kỳ việc nào mang lại lợi ích vật chất cũng tốt. Không có món lợi vật chất nào có thể dùng đổi lấy giá trị sinh mạng được. Thời Xuân Thu, nhà tư tưởng kiệt xuất Liệt Tử nhà rất nghèo, thậm chí lúc nào cũng thiếu ăn. Có người nói chuyện này với Trịnh Tử Dương: Liệt Tử là người có tài năng, đạo đức nhưng nhà quá nghèo, chẳng nhẽ quân vương không tiếc nhân tài hay sao? Tử Dương nghe vậy bèn ra lệnh người dưới đem cho Liệt Tử 10 xe thóc. Liệt Tử đón tiếp sứ giả rất lễ độ, nhưng từ chối không nhận lương thực. Vợ của ông thắc mắc thì Liệt Tử giải thích: Trịnh Vương thực sự không hiểu ta. Nếu vì câu nói của người khác mà cho ta lương thực, thì cũng có thể vì một câu nói mà định tội cho ta. Vì thế ta không thể nhận quà của ông ta được. Không lâu sau, nhân dân nổi dậy giết Trịnh Vương. Tất cả những ai quan hệ mật thiết với ông ta đều bị liên lụy. Lúc đó mọi người mới thấy Liệt Tử nghĩ đúng.

3. Cần phải tích lũy kinh nghiệm sống để hiểu thực tế và biết cách thể hiện mình tùy hoàn cảnh, lúc nào nên thỏa hiệp, lúc nào nên thẳng thắn. Thời nhà Minh, gian thần Môn Đạt lập kế hãm hại các trung thần Viên Báo, Lý Hiền. Một liêm quan khác là Dương Huyên thấy bất bình, bèn dâng tấu lên Minh Anh Tông để kêu oan hộ hai đại thần kia. Nhà vua lại giao cho Môn Đạt xét xử vụ kiện này, thế là Đạt dùng cực hình bức cung Huyên phải khai nhận theo nội dung hắn sắp đặt trước, là Lý Hiền sai Huyên dâng tấu nhằm khép cả mấy người vào tội chết. Dương Huyên giả bộ đồng ý và còn đề nghị xét xử vụ này trước triều đình để còn vạch tội Lý Hiền ngay tại chỗ, khiến ông này không thể chối tội. Đến khi thẩm vấn công khai, Huyên kêu lớn: Muốn ta chết thì cứ giết, chứ ta không thể vu cáo hãm hại trung thần được. Có quỷ thần chứng giám, đúng là Môn Đạt sai tôi nhận như vậy. Thế là các quan đồng thanh tố cáo ngược lại, Môn Đạt bị tống giam.

4. Trong mọi việc, cần phải nắm vững nguyên tắc chung, tôn trọng tự nhiên và hiểu rõ cách thức để làm việc. Lão Tử cho rằng: Kẻ mong ngóng thì không tự lập; kẻ nhảy nhót thì không hành sự; kẻ chỉ biết mình thì không thông sáng; kẻ tự cho là phải thì không thấu rõ; kẻ tự đánh lẫn nhau là vô công; kẻ tự kiêu thì không lớn được. Chuyện Liễu Tôn Nguyên kể, trước kia ở thành Tây An có người gù lưng tên là Quách Thác Đà chuyên trồng cây ăn quả để mưu sinh. Cây của ông ta rất tốt tươi và cho quả sớm, sai, ngon. Nhiều người hỏi bí quyết, Thác Đà trả lời: Ta chẳng có tài cán gì để bảo cây cối tốt tươi. Chẳng qua là thuận theo quy luật phát triển tự nhiên thôi, không làm tổn hại đến thiên tính. Người khác trồng cây để rễ cong gập, đổi đất trồng, vun đất không đúng. Có người yêu cây quá mức: Sáng xem, tối sờ thậm chí vạch cả vỏ cây để nhìn. Yêu cây như thế là hại cây; nói lo cho cây, nhưng thực ra coi cây như thù địch. Vì vậy mà người ta trồng cây không bằng ta. Những điều tưởng chừng đơn giản như vậy mà không phải ai cũng biết?

5. Sự thái quá trong suy nghĩ dẫn đến hoang tưởng hoặc căng thẳng; sự thái quá trong hành động dẫn đến mình tự hại mình. Mấu chốt trong mọi việc là phải biết cao thấp, nặng nhẹ, to nhỏ, vừa phải hay quá mức. Chuyện Liễu Tôn Nguyên cũng kể, có một loài sâu tên là phụ bản rất thích mang nặng trên lưng. Dọc đường đi, hễ thấy bất kỳ thứ gì nó cũng đều chất lên lưng, tuy trọng lượng ngày một nặng nề nhưng nó không chịu dừng lại. Thậm chí khi các thứ trên lưng rơi ra, nó lại chất các thứ khác lên lưng thay thế. Sau đó phụ bản tiếp tục thích trèo lên cao, kể cả khi kiệt sức rồi vẫn cố, nên kết quả là nó thường bị rơi từ trên cao xuống đất mà chết. Sách kết luận rằng: Con người ta nếu cứ một mực theo đuổi danh lợi, tham không biết chán, thì kết cục cũng như loài sâu kia thôi. Vấn đề là có mấy ai chịu nghe lời khuyên này?

6. Con người ta vẫn phải duy vật để tồn tại. Tuy vật chất quan trọng, nhưng không nên nghĩ thiên lệch quá mức về sức mạnh vật chất hoặc sùng bái tiền bạc như thần tiên. Tiền của không thể đi hết cả cuộc đời, cuối cùng cũng chỉ còn cát bụi làm bạn trung thành với con người thôi. Thời Tây Tấn, có người tên Thạch Sùng là hậu duệ của công thần, từ nhỏ thông minh tài trí nhưng rất tham lam. Khi làm quan ở Kinh Châu, nhờ thông đồng với quan tham cướp đoạt của khách buôn đường dài trên sông mà trở nên giàu có. Của cải trong nhà chất cao như núi, kẻ hầu người hạ vài trăm. Một lần hứng chí, Sùng muốn so giàu có với vương gia Khải là cậu vua. Khải dùng đường và cơm khô lau nồi; Sùng dùng sáp làm củi đốt; Khải dùng lụa tím trải thảm trên đường dài 40 dặm; Sùng dùng gấm trải đường dài 50 dặm; Khải dùng thạch chi sơn nhà; Sùng dùng tiên nhuyễn trát tường. Tấn Vũ Đế cũng ngầm giúp cậu mình một cây san hô cao 2 mét để thi; Sùng lấy gậy sắt đánh vỡ rồi nói sẽ đền cho cây khác, sau đó sai người mang ra gần chục cây san hô cao tới ba, bốn mét khiến cho Khải ngượng ngùng chịu thua. Tuy nhiên, sau đó Sùng bị khép tội khi quân, đáng chỉ bị lưu đày thì lại bị giải ra pháp trường. Lúc đó Sùng mới sực tỉnh than rằng: Họ muốn chiếm gia tài của ta! Người lính áp giải mới hỏi: Đã biết nhiều của hại thân sao còn giữ mãi không phân tán? Sùng chỉ thở dài, vì câu ấy có hỏi sớm hơn chắc gì Sùng đã thèm nghe!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lôi sơn Tiểu quá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.