(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 570 chung cư (CC), nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975. Trong số này có khoảng 70 lô đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Oằn mình với thời gian
Đứng "đầu bảng" trong số các CC đang đối mặt với tình trạng xuống cấp là CC Cô Giang (quận 1). CC này gồm 4 lô nhà, xây dựng từ năm 1966 và là nơi cư ngụ của khoảng 5.500 người. TP Hồ Chí Minh đã không ít lần có kế hoạch di dời toàn bộ dân ở đây nhưng đến nay vẫn còn 43% hộ sinh sống.
Ông Lương Văn Lượng lo ngại bởi sự mục nát của hệ thống dầm, sàn của chung cư Cô Giang. |
Chiều 26-10, phóng viên Hànộimới tìm đến CC Cô Giang và thật khó tưởng tượng nơi đây vẫn là nơi tá túc của hàng nghìn người. Dầm bê tông, trần bong tróc từng mảng lộ ra khung sắt han gỉ, vệ sinh môi trường không bảo đảm… Dẫn nhà báo đi thăm CC, ông Lương Văn Lượng (Phó ban Quản trị CC) cho biết: "Phần đông bà con là dân lao động nghèo, tá túc trong những căn hộ có diện tích 12, 24 và 36m2. Có căn chỉ rộng 12m2 nhưng có 10 người tá túc là chuyện bình thường. Mặc dù TP có quyết định di dời khẩn cấp nhưng đến nay vẫn còn khoảng 780 hộ bám trụ. Sở dĩ môi trường ở đây không tốt là vì quá nửa dân đã di dời nên chúng tôi chỉ làm vệ sinh mỗi tuần một lần".
Không chỉ có CC Cô Giang, tình trạng CC xuống cấp ở nhiều nơi cũng rất đáng báo động, như CC Nguyễn Kim, Ngô Gia Tự, 727 Trần Hưng Đạo, 402 Hàm Tử, 24 Ngô Quyền và 109 Nguyễn Biểu. Do xây dựng cách đây nhiều năm nên hầu hết các phòng, trần thấm dột, tường bong rơi xuống từng mảng lớn. Riêng địa bàn quận 4, có CC Lý Thường Kiệt, cư xá và CC Vĩnh Hội (lô M, N, A, B, C); quận Tân Bình có CC 251 Hoàng Văn Thụ… Đặc biệt nguy hiểm là tại một số lô cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), tình trạng nhà lún đều, có lô trần tầng trệt chỉ cao 1,8m so với thềm đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Rồi sẽ ra sao?
Theo Sở Xây dựng, có khoảng 27.000 hộ dân với 140.000 nhân khẩu đang sinh sống tại các CC cũ đang xuống cấp cần được sửa chữa, di dời xây mới. TP sẽ cần xấp xỉ 1 triệu mét vuông nhà tái định cư và đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với các cấp chính quyền. Đến hết năm 2010, TP mới chỉ sửa chữa, cải tạo, di dời, tháo dỡ và đầu tư xây dựng 62 CC với 112 lô, trong đó mới có 26 lô hoàn thành xây dựng, 54 lô được sửa chữa, cải tạo và 32 lô đã bồi thường, di dời, tháo dỡ… Nguyên nhân khiến việc cải tạo CC cũ ì ạch là chính sách đền bù, tái định cư còn nhiều bất cập, trong khi quỹ nhà tái định cư còn thiếu và đặc biệt là bị hoài nghi về chất lượng.
Trở lại câu chuyện tại CC Cô Giang, ông Lương Văn Lượng cho biết thêm, từ tháng 3-2008, dân ở đây đã nhận phương án di dời nhưng so với giá thị trường thì không thể mua được nơi ở mới. Vừa rồi có nhà đầu tư lên phương án bồi thường 12.000.000 đồng/m2, nhưng sau khi xây dựng xong, hộ nào muốn quay lại nơi ở cũ sẽ phải trả khoảng gần 40.000.000 đồng/m2. "Dân nghèo lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Đấy là chưa kể hộ có diện tích 12m2 khi di dời được hỗ trợ 850 triệu đồng, trong khi hộ có diện tích 24 và 36m2 không được trả cao hơn. Mặt khác, nhà tái định cư được TP bố trí ở khu Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cách nơi ở cũ khoảng 15km và chất lượng không tốt. Nhà xây mới nhưng đã có hiện tượng thấm, chảy nước ở nhiều vị trí" - ông Lượng nói.
Được biết, cuối tháng 6-2011, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện chương trình cải tạo, xây dựng mới các CC cũ áp dụng phương thức hoán đổi giá trị tương đương. Theo đó, các hộ thuộc sở hữu tư nhân tại CC cũ sau khi tạm cư được đổi ngang diện tích tương đương căn hộ tại CC mới. Phần diện tích tăng thêm sẽ hỗ trợ bán cho người dân theo giá bảo toàn vốn. Với các hộ dân thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước không thực hiện bồi thường sẽ được ứng tiền tạm cư và mua lại căn hộ theo giá bảo toàn vốn. Nếu không có điều kiện mua có thể trả góp hoặc thuê… Hy vọng rằng chính sách này sẽ mở "lối ra" cho việc xây mới các CC cũ tại TP Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.