(HNM) - Gần đây, không ít khách hàng là thuê bao của mạng Viettel phản ánh về Báo Hànộimới tình trạng đọc báo qua di động chập chờn, gửi tin nhắn phải gửi đi gửi lại nhiều lần, liên lạc hay bị đứt cuộc gọi...
Khách hàng tìm hiểu các loại hình dịch vụ của Viettel. Ảnh: Thanh Hải |
Sóng chập chờn...
Anh Lê Hoàng chủ thuê bao số 098xxxx117 kể lại, đang ngồi làm việc ở cơ quan, nhận được điện thoại của người nhà gọi đến máy cố định cơ quan trách gọi di động cho anh không được trong khi gia đình đang có việc cần gấp. Anh Hoàng rút máy di động ra xem và thấy sóng vẫn "căng nét". Để chắc chắn điện thoại không bị hỏng, anh bấm số máy gọi đi, cuộc gọi thực hiện tốt. Theo lời của vị khách hàng này kể lại, trước đây anh dùng sim của một nhà mạng khác, nhưng cứ về đến nhà thì mất sóng, nên mới chuyển sang dùng Viettel, vậy mà "tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa" đến cơ quan thì lại bị hiện tượng này...
Chị Nguyệt là chủ thuê bao 098xxxx868 cho biết, khu vực phố Thái Hà (quận Đống Đa) nhà chị ở, nếu gọi di động ở tầng một hầu như không thực hiện được cuộc gọi, trong khi lên tầng 3, sóng 3G căng nét. Tương tự như vậy, một khách hàng là thuê bao 098xxxx383 ở khu vực tổ 8 Mộ Lao, quận Hà Đông cho biết, ở tầng một và tầng hai hầu như không có sóng di động và nếu đọc báo, gọi điện thoại, phải lên tầng ba, nhưng sóng vẫn không ổn định, gọi điện hay bị đứt sóng. Một khách hàng nữa là chị Thanh Hải chủ thuê bao 0167xxxx614 ở phường Phú Lương (quận Hà Đông), gần trụ sở UBND phường cho biết, sóng di động khu vực này rất chập chờn…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với những khách hàng dùng máy đầu cuối thông thường, không có hỗ trợ kết nối 3G, hầu như không gặp phải tình trạng như phản ánh. Trong số 4 trường hợp đã phản ánh với Báo Hànộimới thì chỉ có duy nhất một khách hàng dùng máy di động 2G là thuê bao 0167xxxx614 ở phường Phú Lương (quận Hà Đông), còn lại là dùng smartphone-điện thoại thông minh, có hỗ trợ cả sóng 2G và 3G. Và vấn đề chính là ở chỗ này, do thiết bị có hỗ trợ 3G nên khi khách hàng ở hoặc di chuyển tới những khu vực có sóng 3G mạnh, máy sẽ tự chuyển sang chế độ 3G. Với những khách hàng đăng ký gói dịch vụ mobile internet 3G nếu ở vùng sóng mạnh, việc truy cập internet rất thuận tiện, nhưng nếu ở vùng sóng yếu, máy tự động chuyển sang biểu tượng sóng EDGE hoặc 2G, khiến việc kết nối chậm, thậm chí là không truy cập được. Đồng thời, khi tự chuyển chế độ cũng là lúc điện thoại phải dò sóng và do vậy trong thời gian này xuất hiện các sự cố như không gửi được tin nhắn, không nhận được cuộc gọi hoặc rớt cuộc gọi.
Chỉ làm lợi cho mình?
Trao đổi với PV Hànộimới, đại diện Công ty Viễn thông Viettel cho biết, Viettel không phủ nhận việc có hiện tượng thuê bao tại các khu nhà tầng và cao tầng thường bị rớt cuộc gọi, hoặc sóng 3G đôi lúc không ổn định. Do vậy, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng trạm thu phát sóng (BTS), nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, lãnh đạo Viettel yêu cầu nhân viên phải dùng 3G để phát hiện chất lượng dịch vụ và thời điểm nào, khu vực nào không có sóng, phải thông báo cho đơn vị. Vị lãnh đạo này chia sẻ, một điều khó cho các DN trong triển khai mạng 3G là do đặc thù của công nghệ này ở băng tần 2100MHz có vùng phủ hẹp, độ xuyên thấu kém, đòi hỏi dựng trạm thu phát sóng cần gấp 2 lần so với 2G-vốn đầu tư rất lớn. Thực tế, các nhà mạng đều đã vượt chỉ tiêu cam kết thi tuyển 3G về đầu tư hạ tầng (hiện Viettel là nhà mạng có trạm BTS 3G lớn nhất với khoảng 24.000 trạm). Tuy nhiên, việc dựng trạm mới rất khó khăn, trong đó có khu vực Hà Nội, do người dân khiếu kiện, cản trở việc lắp đặt. Đại diện Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, có rất nhiều địa điểm được coi là điểm đen mà nhiều năm nay, không thể lắp đặt được BTS mới, trong khi lượng thuê bao ngày một tăng… Đại diện Viettel đề nghị được ghi nhận các phản ánh của khách hàng tới Báo Hànộimới để bộ phận kỹ thuật giải quyết.
Những chia sẻ như trên không phải không có lý khi mà việc dựng trạm BTS có những cái khó liên quan đến công nghệ và con người. Song, đó là cái lý của DN. Có câu "khách hàng là thượng đế". Vậy, việc khách hàng phản ánh về chất lượng dịch vụ thoại nói chung và 3G nói riêng rất cần được khắc phục sớm. Hơn nữa, trong khi các nhà mạng, trong đó có Viettel, truyền thông rất mạnh để khách hàng dùng các dịch vụ 3G của mình, nhưng việc khuyến cáo khách hàng biết tắt phần cài đặt 3G (với các dòng máy có hỗ trợ cả 3G và 2G) khi sóng kém thì rất hiếm và không rộng rãi như quảng cáo. Người ta biết tới Viettel như một “ông lớn” trong các nhà mạng tại Việt Nam hiện nay khi tiền lãi từ doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhà mạng được lợi như vậy xét cho cùng cũng là nhờ uy tín đối với khách hàng. Vậy tại sao phần thiệt hại lại đẩy cho các “thượng đế”? Tình trạng nêu trong bài viết này đã khiến nhiều khách hàng lâu năm của Viettel cho biết đang có ý định chuyển mạng sử dụng để tránh bị thiệt hại do đứt mạng, nghẽn mạng và tránh những phiền toái, bực tức không đáng có. Liệu DN có biết điều đó?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.