Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”

Vân Lam| 03/05/2022 05:46

(HNMCT) - “Có những câu hỏi không ai muốn trả lời. Có những câu chuyện buồn không ai muốn gợi lại. Nhưng một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái. Một thái độ sống chân chính đòi hỏi chúng ta phải sống kỹ với từng chi tiết của quá khứ, của ký ức” - trong cuốn sách “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” của nhà văn Đoàn Tuấn, quá khứ đã “sống lại” theo hành trình của hai nhân vật Ánh và “tôi”.

Họ là đồng đội chiến đấu tại chiến trường K, sau mùa chinh chiến ấy may mắn còn sống trở về. Nhưng, suốt những năm tháng sống giữa thời bình, trong lòng những người lính ấy “vẫn có điều gì quẫy cựa”. Những đồng đội đã hy sinh nơi đất khách quê người, giữa rừng hoang núi lạ, linh hồn của họ bơ vơ phương nào, ẩn nấp nơi đâu, “liệu có biết đường, biết giờ, biết phút để về cùng” khi đồng đội đưa các anh về nước? Những người được trở về với thời bình, có bao lúc “muốn an ủi đồng đội một câu mà không tìm ra chỗ. Cúi đầu nói với cỏ? Hay ngẩng mặt nhìn trời xanh?”. Và họ hiểu rằng: "Chúng tôi còn sống trở về, chắc có biết bao người đã chết thay. Chúng tôi không thể bình yên được. Phải đi về nơi đó. Băng bó cho những linh hồn còn đau đớn giữa rừng hoang”. Suy nghĩ ấy thôi thúc họ lên đường.

Để tìm về chiến trường xưa, người cựu chiến binh Ánh quyết tâm trở thành nhà sư. Đôi bàn chân của nhà sư Phteah Saniphap đã đi qua bao nẻo đường để tìm về nơi đơn vị ngày xưa chiến đấu, tìm dấu vết nơi có đồng đội đã ngã xuống để cất tiếng kinh cầu gửi đến những linh hồn người lính đang còn phiêu dạt. Dấu chân nhà sư “như những đường kim mũi chỉ, khâu lành những vết thương trên xứ sở thân yêu”.

Nhưng, “chẳng lẽ, mình chỉ băng bó cho người bên mình? Người bên kia họ cũng đau đớn lắm chứ”. Bởi suy cho cùng, ở trên đời, “cội rễ của sự tha thứ là đức khoan dung”. Tiếng kinh của nhà sư Phteah Saniphap, bởi thế, còn được vang lên để nguyện cầu cho linh hồn của những người lính phía bên kia chiến tuyến, để họ: “Dù ở phía nào cũng xin nguôi oán hận/ Nằm trong đất, chôn hận thù vào đất/ Cây mọc lên/ Cây mang sắc hòa bình”.

Nếu nhà sư Phteah Saniphap sang Campuchia trò chuyện với các linh hồn, thì nhân vật "tôi" chọn cách tập hợp những đồng đội cũ ở Hà Nội cùng đi tìm, đi thăm những người bạn cùng chiến đấu năm nào. Mỗi chuyến đi của hiện tại lại mở ra trang ký ức đã phủ bụi thời gian về những tháng năm họ đã sát cánh bên nhau. Nhiều người trong số họ đã bị ám ảnh khôn nguôi về những gì họ từng chứng kiến trong những năm tháng ở chiến trường K.

Chọn lối viết đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa tâm linh và hiện thực, từng câu chuyện, từng số phận đã lần lượt được nhà văn Đoàn Tuấn phác họa lại. Tái hiện những câu chuyện về khúc ca quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K dường như là sứ mệnh mà những đồng đội đang sống và đã mất giao phó cho nhà văn Đoàn Tuấn. “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” là tác phẩm thứ 5 của nhà văn viết về chiến trường K. Nhà văn khẳng định, “dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về”. Những câu chuyện của họ, về họ như những viên thuốc giúp đồng đội, gia đình của họ và bạn đọc có thể cùng nhau sống một cách vui vẻ hơn trong cuộc sống đầy biến động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.