Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối nào cho điện ảnh quốc doanh?

Người Lái Đò| 18/09/2011 06:50

(HNM) - Từ ngày 1-7-2010, 5 hãng phim quốc doanh, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng đã chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH nhà nước một thành viên. Hơn một năm trôi qua, mô hình này cũng chưa mang lại kết quả, thực chất là "bình mới, rượu cũ"...

Không ai có thể phủ nhận thành quả mà các hãng phim quốc doanh đã đạt được trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và cả thời kỳ đầu công cuộc đổi mới đất nước. Những tác phẩm điện ảnh thời đó không chỉ thu hút khán giả trong nước mà còn gây được tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế. Cơ chế thay đổi, Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp và bù lỗ cho dù điện ảnh được gọi  là  thứ hàng hóa đặc biệt. Năm  2006, Nhà nước bỏ bù lỗ cho các hãng phim quốc doanh và chỉ tài trợ cho những  phim đặt hàng. Và từ đó đến nay, mỗi năm hai hãng phim truyện hàng đầu Việt Nam chỉ sản xuất 2-3 phim. Không có việc, các đạo diễn, quay phim, nhà biên kịch, thiết kế mỹ thuật... được đào tạo tử tế, giàu  kinh nghiệm bỏ đi làm phim truyền hình, mở công ty riêng hay bỏ nghề. Cổ phần hóa được tiến hành  ở Hãng Phim truyện I vì quy mô của hãng nhỏ, tài sản không lớn nhưng cho đến nay công ty cổ phần này không chết nhưng đang gặp muôn vàn khó khăn. Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Công ty Phim Giải phóng than phiền: "Không thể vay được tiền ngân hàng vì tài sản là của nhà nước nên không thể mang ra thế chấp". Nếu không có phim đặt hàng, hai công ty coi như không có việc và thế là Công ty Phim Giải phóng phải làm phim truyền hình.

Quay lại bao cấp thì không thể nhưng thành lập Công ty TNHH nhà nước một  thành viên làm bước đệm cho cổ phần hóa cũng không dễ dàng, vì tài sản cố định (nhà xưởng và thiết bị) quá lớn. Quan trọng hơn, ai dám mạo hiểm bỏ tiền ra mua cổ phần khi không đoán định được tương lai công ty? Hơn nữa, cách đây mấy năm, hai hãng này cũng từng họp bàn về cổ phần và  kết quả  không đi đến đâu. Bản thân các công ty phim quốc doanh hiện cũng có nhiều quan điểm khác nhau, người ủng hộ phim thị trường, người khác lại ủng hộ phim nghệ thuật, thế nên rất khó đi theo hướng nào. Trong khi đó, các hãng tư nhân vẫn tiếp tục làm phim, mới đây nhất "Long ruồi" chiếu 3 ngày đã mang lại doanh thu hơn 9 tỷ đồng.

Vụ việc Cục Điện ảnh thất thoát 42 tỷ đồng, rồi cục trưởng, cục phó làm đơn từ chức làm cho điện ảnh đã rối giờ lại rối thêm. Xóa sổ các công ty  phim quốc doanh? Để nó tồn tại thì phát triển theo mô hình nào? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời với cơ quan quản lý. Tuy nhiên dù là thế nào thì nên sớm có câu trả lời để không lãng phí khối tài sản lớn của Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lối nào cho điện ảnh quốc doanh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.