(HNM) - Bắt đầu từ ngày 1-11-2017, TP Hồ Chí Minh chính thức bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Thu hút người tài
Bắt đầu từ ngày 1-11, TP Hồ Chí Minh đã chính thức bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh” khi tuyển dụng công chức, đồng thời bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức. Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, đây không phải là việc làm “xé rào” mà căn cứ theo Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Chính phủ.
Trước đó, do nhu cầu về thu hút nhân lực trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã có cơ chế “mở” hơn trong công tác tuyển dụng. Cụ thể, đối với ngành giáo dục mầm non, một số bộ môn khó tuyển giáo viên thì thành phố vẫn tuyển với điều kiện KT3 chứ không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh.
Từ tháng 3-2016, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thí điểm tuyển nhà khoa học là Việt kiều từ nước ngoài về làm việc tại một số vị trí với mức lương rất cao. Mới đây, thành phố cũng đã tuyển dụng nhân sự ở các tỉnh, thành làm việc tại các trung tâm giải quyết việc làm, trung tâm cai nghiện ma túy... thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh có trụ sở ở các tỉnh, thành đó.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, dù các quy định của pháp luật đã có hiệu lực từ lâu, nhưng bộ máy hành chính và sự nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn chuyển biến rất chậm trong công tác tuyển dụng nhân lực là người ngoại tỉnh. Lý giải về thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thích tuyển “người quen” hơn là “người lạ”. Theo ông Lê Hoài Trung, những đối tượng đang làm việc trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp có nhu cầu thay đổi vị trí việc làm, hay thay đổi cơ quan vẫn được ưu tiên tuyển dụng hơn là những đối tượng bên ngoài.
Quan trọng là năng lực
Trước việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, người dân đang sống tại TP Hồ Chí Minh cảm thấy vô cùng hồ hởi. Có thể thấy, quyết định này của UBND TP Hồ Chí Minh đang tạo được đồng thuận rất cao trong các tầng lớp nhân dân. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều này rất đáng hoan nghênh, bởi nó phù hợp với quyền sống, quyền lựa chọn công việc của người dân.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, vấn đề là những người giỏi, có năng lực có chấp nhận vào làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp của TP Hồ Chí Minh hay không. Điều này cũng khiến ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh băn khoăn vì khối lượng công việc của cán bộ công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh lớn gấp hai lần trung bình cả nước nhưng thu nhập lại bằng nhau. Trong khi đó, mức chi tiêu tại thành phố cao hơn thì rõ ràng mức sống của cán bộ công chức, viên chức tại thành phố thấp hơn cả nước.
Ông Lê Hoài Trung cho rằng, vấn đề là nhân lực đó có làm được việc hay không khi được bố trí công việc. Ngoài năng lực chuyên môn, người đó còn cần phải am hiểu về văn hóa, con người, bộ máy chính quyền của thành phố.
Theo quy trình mới trong thi tuyển công chức sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ chọn lựa, sàng lọc kỹ càng về điều kiện năng lực, chuyên môn. Đây sẽ là điều kiện quan trọng nhất để chấp nhận hồ sơ ứng viên. Trong quá trình thi tuyển, thành phố cũng sẽ gắt gao hơn trong việc tổ chức thi, công tác giám sát, chấm điểm. Ông Lê Hoài Trung khẳng định, với quy trình này, sẽ không có chuyện ưu tiên “con ông cháu cha” hay người giỏi hơn bị loại, còn người có năng lực hạn chế hơn lại trúng tuyển.
Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn Mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại TP Hồ Chí Minh có nhu cầu vào làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp rất lớn. Trước đây, có vị trí tỷ lệ chọi đến 10 người, nay bỏ điều kiện hộ khẩu có thể tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Theo Sở Nội vụ, mỗi đợt tuyển, lượng ứng viên đăng ký thường gấp khoảng 3 lần nhu cầu tuyển dụng. Do vậy, việc bỏ điều kiện hộ khẩu nhiều người nghĩ sẽ mở ra nhưng thực chất là thắt lại, bởi cạnh tranh giữa các ứng viên sẽ gay gắt hơn rất nhiều. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.