(HNM) - Vùng Sừng châu Phi (Ðông - Bắc Phi hay còn gọi bán đảo Somalia) đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua. Nạn hạn hán khiến cuộc sống của hơn 10 triệu dân trải rộng trên khoảng 2 triệu kilômét vuông trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế nạn đói sẽ là một thảm họa tồi tệ với vùng Sừng châu Phi.
Người dân Somalia lấy nước tại trại tị nạn Dadaab khi nạn đói đang ngày một lan rộng. |
Trung tâm của nạn đói tại vùng Sừng là Somalia khi cuối tháng 7-2011, Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định quốc gia này đã rơi vào nạn đói; đồng thời khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế ra tay. Ước tính khoảng 3,7 triệu người Somalia, tương đương 1/3 dân số, trong đó khoảng 2,8 triệu sinh sống ở miền Nam, đang có nguy cơ bị chết đói, trong khi hàng triệu người khác ở các quốc gia láng giềng như Ethiopia, Kenya, Uganda... cũng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp cho Somalia 1,6 tỷ USD. Giám đốc Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Valerie Amos nhấn mạnh nếu không hành động "ngay lập tức" thì nạn đói sẽ lan khắp Somalia và lan sang các nước láng giềng.
Đến nay, đã có khoảng 10 nghìn người ở vùng Sừng bị chết vì đói. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), mỗi ngày cứ 10.000 dân tại đây có từ 2 người trở lên chết do không có lương thực. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở miền Nam Somalia đang ở mức cao nhất thế giới, lên đến 50%. Dọc biên giới với Somalia, các trại tị nạn đã được dựng lên ở Kenya và Ethiopia với sức chứa tối đa 90.000 người/trại nhưng đã phải gồng mình chăm sóc tới 380.000 người và mỗi ngày đang phải đón thêm khoảng 3.000 người nữa...
Trước nạn đói lan rộng đang là nguy cơ đe dọa vùng Sừng châu Phi, thế giới đã hình thành một liên minh mới nhằm giúp khu vực này vượt qua khó khăn. Sau hội nghị khẩn cấp về hạn hán ở vùng Sừng tại Rome (Italia), ngày 25-7, LHQ đã nhận được cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD từ cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết trợ giúp vùng Sừng châu Phi hơn 500 triệu USD dành cho các dự án dài hạn giúp nông dân phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Ngày 28-7, các nước thuộc Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) cũng đã họp tại thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bàn các biện pháp khẩn cấp đối phó với nạn đói đang hoành hành. Tại cuộc họp, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã đồng ý để OIC điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo của 57 quốc gia thành viên. Hội nghị đã nhận được sự cam kết đóng góp 60 triệu USD của Ảrập Xêút, 10 triệu USD từ Kuwait và 3.000 tấn hàng từ Tổ chức nhân đạo Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (IHH) viện trợ khẩn cấp cho Somalia. IOC sẽ bắt đầu cứu trợ cho 40.000 người ở Somalia theo một thỏa thuận với Chương trình lương thực thế giới (WFP). Trước đó, ngày 26-7, WFP đã lập cầu hàng không khẩn cấp để chuyển lương thực tới Somalia. Chuyến bay đầu tiên với 10 tấn hàng cho trẻ em đã hạ cánh tại thủ đô Mogadishu…
Khó khăn lớn nhất hiện nay là chính cuộc nội chiến tại Somalia đang cản trở nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế cho quốc gia này. Trong đó, lực lượng Hồi giáo Al-Shabab vũ trang hiện kiểm soát hầu hết lãnh thổ Somalia đã không cho WFP tiếp cận các khu vực bị đói do lực lượng này kiểm soát. Trước tình hình hiện nay, ngoài gửi hàng cứu trợ, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn 1 năm huấn luyện quân sự cho quân đội Somalia, giúp chính phủ nước này xây dựng lực lượng an ninh đủ sức đối phó với các phần tử bạo loạn vũ trang.
Với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nạn đói ở vùng Sừng châu Phi đang hy vọng sẽ được đẩy lùi. Cùng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, khu vực này đang rất cần các giải pháp dài hạn của cộng đồng quốc tế để giải quyết tận gốc khủng hoảng như hỗ trợ chăn nuôi, cung cấp giống cây trồng phù hợp và kỹ thuật canh tác... Có như vậy Sừng châu Phi mới thật sự thoát khỏi nạn đói hiện nay và hướng đến một tương lai ổn định, bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.