Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích sát sườn, không thể chủ quan

Hữu Hoài| 20/08/2012 07:21

(HNM) - Không nằm ngoài quy luật, TP Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ... gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai được Hà Nội triển khai thực hiện quyết liệt sẽ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Gia cố đê sông Hồng tại địa phận Hải Bối (huyện Đông Anh) trước mùa mưa bão. Ảnh: Khánh Nguyên


Những thách thức đặt ra

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, khu vực ngoại thành Hà Nội khá rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai như lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về, một phần diện tích nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của sông Hồng... Còn khu vực nội thành luôn thường trực nguy cơ bị úng ngập cao. Trong khi đó, hệ thống đê điều, hồ đập tuy đã được gia cố tu bổ, nhưng nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn, thân đê chứa chất nhiều ẩn họa, hệ thống công trình tiêu úng xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, lạc hậu nên khả năng tiêu thoát hạn chế... Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai hết sức nặng nề.

Mặc dù nguồn lực được huy động tối đa, kể cả về cơ sở vật chất và con người, song với những tác động cực đoan của thời tiết, tần suất các cơn bão xuất hiện nhiều, phức tạp thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại cho người dân, đặc biệt là nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội. Thiệt hại do thiên tai gây ra cho nhân dân Sóc Sơn và Chương Mỹ là những minh chứng cụ thể. Báo cáo sơ kết 5 năm (2007-2012) thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của huyện Sóc Sơn cho thấy, tình trạng sạt lở, ngập úng, lốc xoáy, cháy rừng... trên địa bàn huyện này liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ví dụ, năm 2010, lốc xoáy đã làm 147 hộ gia đình bị tốc mái, 29 cột điện bị đổ, 30m kênh xây bị vỡ, xảy ra 37 vụ cháy rừng... Năm 2011, lốc và gió xoáy làm gẫy 7 cột điện, ngập úng cục bộ gần 100ha lúa xuân, trên địa bàn tiếp tục xảy ra 14 vụ cháy rừng... Ước tính thiệt hại do thiên tai gây nên trong 5 năm (2007-2011) trên địa bàn huyện Sóc Sơn khoảng 41 tỷ đồng. Đặc biệt, tại huyện Chương Mỹ, trận mưa lịch sử xảy ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008, ngoài gây thiệt hại về người, còn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và tài sản của dân lên tới gần 297 tỷ đồng. Huyện Chương Mỹ phải huy động 14.287 người để khắc phục hậu quả.

Vẫn còn tư tưởng chủ quan

Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giai đoạn 2007-2012, báo cáo của UBND TP chỉ rõ nhiều hạn chế. Khi xảy ra úng ngập, thiên tai việc thực hiện các phương án được duyệt ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, chưa sát với thực tế, thậm chí triển khai chậm gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, trông chờ ỷ lại và cho rằng Hà Nội ít xảy ra thiên tai, nên chưa xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai... Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đang diễn ra khá phổ biến. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn TP xảy ra 1.616 vụ vi phạm Luật Đê điều, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2012 phát sinh thêm 128 vụ. Vi phạm chủ yếu là xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ, dựng lều quán, chợ tạm, đào xẻ đê, tôn cao đê, khai thác cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê… Địa bàn tồn đọng nhiều vụ vi phạm đê điều là các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Từ Liêm… Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều, thoát lũ chưa được xử lý, giải tỏa dứt điểm. Việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều còn nặng hình thức, thiếu kiên quyết nên kết quả đạt được rất hạn chế.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, ngoài việc chủ động xây dựng cụ thể phương án chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, áp dụng phương châm "bốn tại chỗ", UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể triển khai kế hoạch giảm nhẹ thiên tai cả trước mắt và lâu dài. Chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, sửa chữa, khắc phục sự cố trước mùa mưa bão. Mỗi gia đình phải tự lo liệu việc ứng phó với thiên tai trước khi có sự can thiệp giúp đỡ từ bên ngoài, tránh tư tưởng chủ quan ỷ lại trong nhân dân là hoạt động cần được chú trọng thực hiện thường xuyên và liên tục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích sát sườn, không thể chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.