Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích kinh tế hay bản sắc văn hóa?

Hoàng Yến| 19/04/2010 06:17

(HNM) - Phát triển du lịch cộng đồng nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái đang là một trong những mô hình được nhân rộng ở vùng Tây Bắc nước ta.

Thế nhưng, thực tế đang diễn ra ở nhiều điểm du lịch cộng đồng này cho thấy, lợi ích kinh tế và việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa không phải lúc nào cũng "gặp" nhau, thậm chí có những nơi đang trở thành vấn đề bức xúc.

Rằng hay thì thật là hay

Tây Bắc không chỉ được biết đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà còn là nơi "sở hữu" hệ thống di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng đã được xếp hạng như: quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh, với vốn văn hóa truyền thống của 30 dân tộc anh em như Lễ hội Xên bản, Xên mường, Cầu mưa, Cơm mới, Nàng Han... Đến với Tây Bắc, du khách còn được hòa mình vào nền văn hóa - nghệ thuật và nếp sống nhân văn, thưởng thức các món ăn dân tộc hấp dẫn, tham gia đêm hội xòe và ngủ nhà sàn dân tộc. Chính những yếu tố văn hóa vật thể cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc là tài sản vô giá, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

Chợ Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Viết Thành

Tận dụng lợi thế đó, một số điểm du lịch cộng đồng ở Tây Bắc đã và đang đầu tư mạnh xây dựng cơ sơ vật chất, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước như: Mai Châu, Kim Bôi (Hòa Bình); Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Phong Thổ (Lai Châu)... Qua khảo sát thực tế cho thấy, đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư ở hầu hết các điểm du lịch này đã có những thay đổi tích cực. Nhiều sản phẩm nông, lâm và thủ công nghiệp do dân cung cấp được tiêu thụ mạnh, tạo hình ảnh độc đáo về bản sắc văn hóa, đồng thời tạo nguồn thu đáng kể, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lê Đức Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Gần 10 vạn lượt khách đến các điểm du lịch cộng đồng huyện Sa Pa mỗi năm đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Điển hình như bản Sín Chải, xã San Sả Hồ nằm trên sườn dãy núi Phanxipăng năm 2000 có tới 68% số hộ đói nghèo, đến 2009 chỉ còn 26%. Những gia đình tham gia hoạt động dịch vụ du lịch có thu nhập cao hơn từ 2-2,5 lần gia đình thuần nông. Cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng, bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu giảm từ 40 hộ nghèo năm 2000 xuống còn 6 hộ (5%) năm 2009 - ông Lò Văn Tiến, Chủ tịch xã Mường So khẳng định.

Nhưng băn khoăn nhiều lắm!

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai khi nói về phương án phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Bà cho biết: Điều lo ngại nhất hiện nay là bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc đang ngày càng bị mai một.

Đúng như lời bà Uyên nói, du lịch làm cho Sa Pa trở nên giàu có, ở đây các cô gái Mông, Dao... đang quen dần với cuộc sống của người Kinh. Nhiều chàng trai Mông thay bằng việc mặc trang phục truyền thống, thổi kèn lá gọi bạn tình thì nay quần áo "cắm thùng", đeo điện thoại bên hông, phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ. Anh Eric Vincent - du khách người Pháp bức xúc: "Trước khi lên Sa Pa, tôi được giới thiệu là Sa Pa rất đẹp, người dân đôn hậu, thân tình nhưng đến đây, hỏi chợ tình thì tôi bị người dân đòi "đôla", rồi có nhiều người đi theo nài nỉ mua hàng nữa khiến tôi thấy không vui".

Hơn thế, ông Lục Văn Thượng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van (Sa Pa), nơi có điểm du lịch cộng đồng Tả Van nổi tiếng cho hay: Tả Van có 42 hộ làm dịch vụ lưu trú, năm 2009 đón 13.000 lượt khách nghỉ lại qua đêm. Nhưng dù xã đã thành lập ban quản lý du lịch cộng đồng, tiến hành kiểm tra việc đăng ký lượng khách đến, khách đi, quản lý giá cả cũng như công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... song do lực lượng quản lý mỏng, du khách đông nên đã có một số trường hợp núp bóng khách du lịch, lén lút giải truyền đơn dụ dỗ đồng bào chống lại chính quyền, từ bỏ các nghi lễ, sinh hoạt truyền thống... Ông Thượng cho biết thêm: Chỉ sau 8 năm làm du lịch cộng đồng, từ chỗ không tôn giáo, nay xã Tả Van đã có gần 100 hộ theo đạo Tin lành với 3 hệ phái: Cơ đốc, Phúc âm Ngũ tuần và Tin lành miền Bắc.

Tương tự, nghề dệt thổ cẩm tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào Dao đỏ không còn phổ biến ở bản Tả Phìn (Sa Pa) nữa. Chị San Mẩy Líu, đội 2, bản Tả Phìn làm nghề bán thổ cẩm nói: "Còn ít phụ nữ Tả Phìn dệt thổ cẩm lắm. Thổ cẩm bày bán, tao đi lấy ở các bản khác về đấy. Bán hàng cho khách du lịch được nhiều tiền hơn". Đáng lo hơn, trẻ em ở bản Vàng Pheo, bản được đánh giá là giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng nhất của người Thái trắng Lai Châu không biết viết, hát tiếng Thái, không biết múa xòe. Đội văn nghệ Vàng Pheo không có người dưới 16 tuổi, không có đàn ông... Lý do được chị Lò Thị Thín, đội trưởng đội văn nghệ Vàng Pheo cắt nghĩa là: "Dân bản bận đi làm kiếm tiền hết rồi"...

Thực tế trên cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng, song bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, cần có những biện pháp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nói như bà Nguyễn Thị Tố Uyên thì mô hình du lịch này cần được các ngành chức năng quan tâm nghiên cứu nhiều hơn để tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý cho các địa phương đang tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kinh tế hay bản sắc văn hóa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.