Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích kép khi công dân có mã số định danh

Hà Phong| 15/06/2013 05:50

(HNM) - Ngày 8-6, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ban hành Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư...



Đây là đề án quan trọng, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn về nội dung của đề án.

- Thưa Thứ trưởng, người dân kỳ vọng, việc triển khai đề án sẽ giảm TTHC, giấy tờ công dân. Xin ông cho biết rõ hơn những lợi ích mà đề án đem lại?

- Mục tiêu đầu tiên đề án hướng tới là đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC. Theo đó, mỗi người dân sẽ có một số định danh cá nhân. Khi thực hiện TTHC, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, cũng không phải sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân. Đáng nói, cải cách này còn mang lại nhiều lợi ích khác như giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì thông tin trùng lặp tại các CSDL, tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm; giảm nhiều loại giấy tờ hộ tịch, tùy thân, sở hữu... cho người dân và bảo đảm không có sai lệch về thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, lĩnh vực.

Người dân giao dịch tại bộ phận "một cửa" của UBND xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Ảnh: Giang Sơn


- Là cơ quan vừa chủ trì vừa phối hợp xây dựng nhiều nội dung của đề án, Bộ Tư pháp có lường trước những khó khăn, thách thức khi thực hiện các nhiệm vụ được giao không, thưa ông?

- Trong điều kiện thông tin cơ bản của công dân đang phân tán ở nhiều CSDL, do nhiều cơ quan quản lý, việc thu thập, nhập thông tin để xây dựng CSDL quốc gia là vấn đề khó thực hiện trong một thời gian ngắn. Tiếp nữa, để các phương án đơn giản hóa TTHC đi vào cuộc sống, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp thì cần sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư thường không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một bộ, ngành. Vì vậy, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong việc thu thập, xác minh thông tin trước khi nhập vào CSDL quốc gia về dân cư.

- Dư luận lo ngại, thực hiện đề án này sẽ chồng chéo với Đề án Xây dựng CSDL quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng và dẫn tới nguy cơ lãng phí. Vậy, điều này có xảy ra không, thưa ông?

- Phải khẳng định ngay là không có sự chồng chéo giữa đề án này với việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chủ trì. Bộ Công an chỉ chủ trì xây dựng dự án khả thi CSDL quốc gia về dân cư và đây là một hợp phần quan trọng của đề án này.

- Nhưng, theo ông, liệu có tình trạng, CSDL chuyên ngành mà các ngành đã và đang xây dựng “vênh” nhau?

- Trong quá trình xây dựng đề án, Bộ Tư pháp đã đánh giá sơ bộ thực trạng xây dựng các CSDL chuyên ngành và thấy rằng, rõ ràng chưa có định hướng chung về chuẩn công nghệ thống nhất cho các CSDL chuyên ngành. Mặt khác, việc mỗi ngành độc lập trong việc xây dựng CSDL chuyên ngành đã tạo nên tình trạng phân tán và trùng lặp thông tin cơ bản của công dân tại các CSDL. Khắc phục tình trạng này, đề án đã yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng các CSDL chuyên ngành phải nghiên cứu thiết kế hệ thống của CSDL quốc gia về dân cư để bảo đảm khả năng kết nối và sử dụng thông tin cơ bản của công dân tại CSDL quốc gia về dân cư. Đối với các CSDL chuyên ngành đã hình thành, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn toàn có giải pháp công nghệ để tạo nên sự thống nhất.

- Đối với trường hợp hiện đang có quốc tịch nước ngoài, nhưng thời gian tới sẽ nhập quốc tịch Việt Nam thì cách giải quyết như thế nào, nếu ngay từ đầu họ không được cấp số định danh cá nhân, thưa ông?

- Dự thảo Luật Hộ tịch quy định số định danh cá nhân không chỉ được cấp cho cá nhân khi đăng ký khai sinh, kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực mà còn được cấp cho những người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Các trường hợp phát sinh liên quan đến số định danh cá nhân sẽ được quy định cụ thể tại nghị định của Chính phủ về cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân. Đối với trường hợp người nước ngoài, khi được nhập quốc tịch Việt Nam, họ sẽ trở thành công dân Việt Nam. Vì vậy, họ sẽ được cấp số định danh cá nhân từ thời điểm chính thức được nhập quốc tịch Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông về nội dung cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép khi công dân có mã số định danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.